0Bình luận

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là gì?

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào các quy phạm pháp luật hành chính hiện hành để giải quyết những công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước.

Chủ thể của việc sử dụng, tuân thủ, chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là tất cả các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Còn việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính luôn là hoạt động của các cơ quan nhà nước (chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước), cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền.

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính nhằm bảo đảm cho các quy phạm pháp luật hành chính được thực hiện trên thực tế. Có những tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động hành chính chỉ được giải quyết đúng đắn thông qua hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính (xử lý vi phạm hành chính, khen thưởng, kỉ luật,…)

Khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, các chủ thể quản lí hành chính nhà nước đơn phương ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính để tổ chức việc thực hiện pháp luật một cách trực tiếp đối với các đối tượng quản lí thuộc quyền. Do đó, áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính là sự kiện pháp lí trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một số quan hệ pháp luật cụ thể.

Việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính phải đảm bổ một số những yêu cầu pháp lí nhất định, những yêu cầu đó là:

Một là, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đúng với nội dung, mục đích của quy phạm pháp luật được áp dụng. Yêu cầu đảm bảo đúng nội dung của quy phạm pháp luật hành chính thể hiện nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Quan hệ này hướng tới việc đạt được một số mục đích nhất định.

Hai là, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thực hiện bới chủ thể có thẩm quyền. Tùy thuộc vào những quy định cụ thể của pháp luật, theo yêu cầu của việc phân cấp trong quản lí hành chính nhà nước, mỗi chủ thể quản lí hành chính nà nước chỉ có thẩm quyền áp dụng một số quy phạm pháp luật hành chính trong những trường hợp cụ thể đối với những đối tượng áp dụng. Nếu việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính được tiến hành bới chủ thể không có thẩm quyền thì việc áp dụng đó là trái pháp luật và người áp dụng sẽ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lí.

Ba là, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thực hiện theo đúng thủ tục luật định. Các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính đều phải được thực hiện theo thủ tục hành chính. Tùy từng loại việc mà việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính sẽ được thực hiện theo những thủ tục khác nhau như: thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thủ tục đăng kí kết hôn,…

Bốn là, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải bảo đảm nhanh chóng, đúng thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định. Do các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn, phát sinh thường xuyên ở những phạm vi và quy mô khác nhau nên luật cần phải quy định cụ thể về thời hiệu, thời hạn giải quyết các công việc. Nếu không làm được điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.

Năm là, kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải trả lời công khai, chính thức cho các đối tượng có liên quan và phải được thể hiện bằng văn bản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Bởi hình thức văn bản là hình thức chưa đựng một cách chính xác, đầy đủ, dễ lưu trữ và có thể sử dụng lại được, chỉ trừ một số trường hợp. Kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của nhà nước, cá nhân, tổ chức mà còn là căn cứ pháp lí cần thiết cho việc thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính trong các trường hợp khác. Vì vậy, kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thông báo một cách chính thức, công khai cho các đối tượng có liên quan.

Sáu là, quyết định áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tôn trọng và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính chỉ có ý nghĩa khi các đối tượng có liên quan tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyết định trên thực tế. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà các quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tông trọng, chấp hành hay cần được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Ý kiến