0Bình luận

Bản chất xã hội của Hiến pháp được thể hiện như thế nào?

Chủ nghĩa Mác – Lênin quan niệm về bản chất của pháp luật nói chung cũng như của Hiến pháp nói riêng trên cơ sở nhìn nhận bản chất giai cấp của nó: Hiến pháp là của ai? Phục vụ cho lợi ích của giai cấp (hoặc các giai cấp) nào? Hiến pháp được tạo ra vì một trật tự xã hội theo định hướng giai cấp nào? Đó chính là quan điểm phương pháp luận kinh điển của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin mà các vị ấy đã sử dụng khi đánh giá về các bản Hiến pháp đương thời. Theo đó, mọi Hiến pháp đều là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, đều là công cụ mà giai cấp hoặc liên minh chính trị sử dụng để khẳng định và duy trì sự thống trị của mình.

Quan điểm giai cấp về Hiến pháp của C.Mác vàĂng-ghen được Ph.Lassal, nhà cách mạng xã hội Đức (1825 – 1864) tiếp thu trên cơ sở đối chiếu giữa bản tính pháp lý và bản tính xã hội thực tế của Hiến pháp. Theo ông, bản chất xã hội của Hiếp pháp là ở cái bản tính thực tế của nó, nói cách khác, đó là sự phản ánh sự tương quan của các lực lượng xã hội. Một bản Hiến pháp thành văn chỉ có sự vững chắc và có ý nghĩa khi nó là sự phản ánh chính xác mối tương quan thực tế của các lực lượng xã hội.

Cùng quan điểm với Ph.Lassal nhưng trực diện hơn, V.I.Lênin đã viết: “Bản chất của Hiến pháp là ở chỗ các đạo luật cơ bản của Nhà nước nói chung và các đạo luật về quyền bầu cử các cơ quan đại diện, về chức năng của các cơ quan đó v.v.. đều thể hiện mối tương quan thực tế của các lực lượng trong đấu tranh giai cấp”. Quan điểm giai cấp của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin và của các nhà cách mạng xã hội châu Âu đã phản ánh đúng thực chất sự ra đời của các Hiến pháp đương thời. Và trên cơ sở quan điểm tiếp cận mang tính giai cấp đó, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác cũng đã thấy rõ giá trị to lớn của những bản Hiến pháp dân chủ lúc bấy giờ trong quá trình đấu tranh chống chế độ chuyên chế, đề cao phẩm giá con nguời, các quyền về tự do cá nhân. Hiến pháp năm 1787 của Hoa Kỳ là sự ghi nhận việc giành chính quyền của giai cấp tư sản và các dân tộc ở một thuộc địa từ chế độ quân chủ Anh quốc. Hiến pháp năm 1789 của nước Pháp đã phản án sự cáo chung của các đặc quyền thuộc về tầng lớp quý tộc và nhà thờ. Hiến pháp năm 1918 của nước Nga Xô viết đã lập nên nền chuyên chính của giai cấp vô sản. Những bản Hiến pháp về sau này cũng là kết quả của những cuộc đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức của chủ nghĩa thực dân và ách thống trị phong kiến. Chính Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam trong Lời nói đầu đã nói rất rõ điều đó: “Sau 80 năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới; “Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn của lịch sử lập hiến trên thế giới có thể nhận thấy rằng, việc xác nhận bản chất của Hiến pháp chỉ từ góc độ lợi ích giai cấp là rất đúng đắn, nhưng chưa đủ. Hiến pháp ghi nhận và thể hiện những lợi ích cơ bản và sống còn của giai cấp thống trị hoặc của một tầng lớp xã hội nổi trội nhất trong xã hội. Nhưng Hiến pháp, cũng như bản thân quyền lực nhà nước, cũng luôn luôn là cơ sở pháp lý của toàn xã hội nhằm ghi nhận và thể hiện những lợi ích tương hợp của các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, đương nhiên ở đó luôn luôn có tính đến và trên thực tế phải tính đến lợi ích và ý chí của tầng lớp, của giai cấp là lực luợng xã hội chủ đạo trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Cũng vì thế mà những khái niệm nhân dân, dân tộc luôn luôn là những khái niệm mở đầu cho các bản Hiến pháp.

Bản chất xã hội của các Hiến pháp ngày nay phản ánh một giai đoạn mới của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, các quốc gia cố gắng tìm kiếm những phương thức thể hiện lợi ích vì một sự đồng thuận xã hội để phát triển, nhất là trong bối cảnh xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế, đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, Hiến pháp đã được trao trở lại sứ mệnh của một bản khế ước về mặt pháp lý của các lực lượng xã hội mà đối tượng điều chỉnh trọng tâm là sự thoả hiệp lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các lực lượng xã hội. Mức độ của sự tương hợp lợi ích có thể rất khác nhau và đó là cơ sở để mỗi bản Hiến pháp xác định cho mình phương pháp điều chỉnh hợp lý. Các mức độ đó có rất nhiều loại. Đó có thể là sự liên minh của các lực lượng tuy có khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau nhưng thân thiện và hợp tác hữu nghị; cũng có thể đó là sự thoả hiệp ở những lợi ích nhất định của các lực lượng đối lập nhau và vì vậy sự thoả hiệp xã hội được Hiến pháp ghi nhận là kết quả của quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác giữa các lực lượng xã hội. Lẽ đương nhiên, phản ánh mối quan hệ như vậy, Hiến pháp không thể chỉ đứng về phía lợi ích của một lực lượng mà luôn phải tìm thế cân bằng về lợi ích, mặc dù trên thực tế ở bất kỳ quốc gia và dân tộc nào thì trong xã hội luôn luôn có những lực lượng, những lợi ích giữ vị trí ưu thế.

Bản chất xã hội của Hiến pháp thể hiện ở chỗ nó chính là sự ghi nhận và thể hiện những giá trị xã hội được toàn xã hội và nhân dân chấp nhận và chia sẻ. Đó là các giá trị như Tự do, Công bằng, Bình đẳng, Dân chủ, Nhân quyền, Chủ nghĩa cá nhân, Chủ nghĩa tập thể, Chủ nghĩa dân tộc v.v.. Sự phát triển của văn minh nhân loại đã góp phần chuẩn hoá và kết tinh các giá trị xã hội giúp các quốc gia lựa chọn các giá trị ưu tiên trên con đường phát triển của mình. Chẳng hạn, trong những năm 60 – 70, kế đó là thời kỳ năm 80 – 90 của thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế, thông qua các văn kiện của Liên hợp quốc, đã đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị ưu tiên hàng đầu là quyền con người, nâng nó lên thành quan điểm: “Con người, các quyền tự do của con người là giá trị cao quý nhất”. Quan điểm đó đã được phản ánh trong hầu hết các bản Hiến pháp ra đời hoặc được sửa đổi trong thời kỳ đó và các thời kỳ tiếp theo.

Ở Việt Nam, Hiến pháp cũng đã phát triển theo hướng phản ánh những giá trị cao quý của dân tộc, của nhân dân. Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ấm no, tự do, hạnh phúc, con người có điều kiện phát triển toàn diện.

Ý kiến