Bàn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Trong BLHS năm 2015 có quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có nhiều điểm khác so với BLHS năm 1999….
Về tội danh và hình phạt thì xin bàn ở một bài viết khác. Vấn đề tôi quan tâm là hậu quả pháp lý đối với người vay tiền thì sẽ xử lý ra sao?
Việc vay mượn tài sản và lãi suất do hai bên thỏa thuận và thông thường người vay tiền là người đề nghị giao kết hợp đồng (Việc quảng cáo của bên cho vay cũng phổ biến nhưng khi giao dịch thực tế thì người vay chủ động) và bên cho vay không dùng vũ lực, chất kích thích hay thủ đoạn khác để dụ người vay vào tròng như dư luận vẫn phản ánh. Khi vay tiền thì người cho vay không biết đến những khó khăn hay hoàn cảnh mà người vay đang gặp phải và luật không buộc bên cho vay phải tìm hiểu lý do vay tiền.
Người cho vay bị truy tố và bị Tòa án tuyên bố là có tội nhưng đối với người vay tiền thì sao?
Trên thực tế thì tòa án có tuyên tịch thu sung công số tiền vay hay không? Buộc bên vay trả tiền vay gốc hay không? Hay là chính người vay muốn lãi suất cao, sau khi chiếm được tài sản thì báo cho cơ quan Công an để xử lý người cho vay và bản thân xù nợ?
Đây chính là vấn đề phải xem xét thấu đáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản và phải để người vay tiền (Người thụ trái) thực hiện nghĩa vụ của mình dựa trên giao dịch thực tế hoặc có nghĩa vụ nộp vào ngân sách số tiền gốc đã vay nếu tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ…
Chứ bây giờ lợi dụng điều luật để vay tiền đem tiêu vào mục đích cá nhân rồi báo công an để xử lý chủ tài sản nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm là không ổn. Nguyên tắc bảo vệ người yếu thế trong xã hội ư? Lấy gì để khẳng định người vay đã là bên yếu thế và ngược lại? Nếu tài sản cho vay là tiền có được từ thu nhập hợp pháp của người cho vay thì tính làm sao? Lợi dụng pháp luật để chiếm đoạt tiền vay có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không? Có xâm phạm quan hệ sở hữu được luật Hình sự bảo vệ hay không cần phải nghiêm túc đánh giá và có biện pháp xử lý chứ như thế này không được.
Bây giờ nhiều đối tượng vay tiền chơi cờ bạc, ăn chơi đàn đúm, sa đọa thì sao gọi là bên yếu thế được?
Các Đồng nghiệp đã ai tham gia vụ án liên quan đến tội danh này chưa? Nếu tham gia thì phần quyết định của Bản án thường tuyên thế nào?
Không thể để kẻ xấu lợi dụng cơ quan bảo vệ pháp luật phục vụ cho mục đích chiếm đoạt của chúng.
Mời anh em Đồng nghiệp và các Anh chị trong các cơ quan tiến hành tố tụng cho ý kiến, xin trân trọng cảm ơn các ý kiến quý báo của mọi người.
Chào thân ái và quyết thắng.
Luật sư Lê Văn Thiệp