0Bình luận

Các đặc trưng cơ bản của Hiến pháp

Hiến pháp vừa là văn bản pháp lý của Nhà nước, vừa là bản khế ước mang trong mình nó ý chí chung của xã hội. Nói đến các đặc trưng của Hiến pháp, người ta phân biệt các đặc trưng về pháp lý, về chính trị, về tư tưởng.

(i) Đặc trưng về mặt pháp lý

Hiến pháp được coi là Luật cơ bản của Nhà nước, có giá trị và vị trí pháp lý cao nhất, việc ban hành và sửa đổi phải tuân theo một trình tự đặc biệt.

Khi nói đến Hiến pháp, một trong những tố chất thường được nhắc đến là tính ổn định cao của nó. Tuy nhiên, đặc trưng này cũng đã cho thấy những ngoại lệ.

Chẳng hạn, từ năm 1811 đến nay, Venezuela đã lần lượt có 40 lần ban hành Hiến pháp, tức là cứ 5 – 6 năm thì có một Hiến pháp mới, thường là khi có Tổng thống mới, mặc dù nội dung Hiến pháp ít có gì mới. Thái Lan cũng là nước hay sửa đổi Hiến pháp. Ở Liên Xô trước đây, bản Hiến pháp năm 1977 cũng đã có hàng trăm sửa đổi. Hiến pháp năm 1958 của Cộng hòa Pháp, Hiến pháp năm 1949 của Cộng hòa Liên bang Đức cũng tương tự. Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 trong khoảng 220 năm tồn tại đã có 27 lần bổ sung và điều khoản thay thế. Chỉ có Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản là chưa có sự sửa đổi, bổ sung nào.

(ii) Đặc trưng về chính trị của Hiến pháp

Đặc trưng về chính trị của Hiến pháp phản ánh tính chất của những quan hệ được Hiến pháp điều chỉnh. Tính chất chính trị của Hiến pháp phụ thuộc trước hết vào đặc điểm của đường lối chính trị của đất nước, đặc điểm của hệ thống chính trị, tổ chức của quyền lực nhà nước.

Ở các quốc gia khác nhau, tính chất chính trị của Hiến pháp thường phụ thuộc nhiều vào vai trò của các đảng chính trị trong xã hội cũng như của các chế định dân chủ trực tiếp quan trọng như chế độ bầu cử, trưng cầu ý dân, vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong cơ cấu xã hội.

(iii) Đặc trưng tư tưởng của Hiến pháp

Đặc trưng tư tưởng của Hiến pháp thể hiện ở chỗ hầu hết đều mang trong nội dung của nó một hệ tư tưởng nhất định. Tính tư tưởng hệ đó được thể hiện thông qua các nguyên tắc được Hiếp pháp ghi nhận, trong những quy phạm mang tính định hướng mục tiêu và cương lĩnh hoặc thậm chí Hiến pháp xác định một cách rõ ràng một hệ tư tưởng chủ đạo.

Tuy nhiên, phần lớn nội dung và định hướng tư tưởng của Hiến pháp chỉ có thể thấy được trên cơ sở phân tích những ý niệm được cài đặt vào các nguyên tắc, quy phạm của Hiến pháp. Khi nói về Hiến pháp Hoa Kỳ, nhiều tác giả thường gọi đó là một bản Hiến pháp phi tư tưởng điển hình. Thế nhưng, tính chất tư tưởng hệ của nó được bộc lộ trong các tuyên bố về chủ quyền của nhân dân và chế độ cộng hoà (mà không phải là quân chủ), việc duy trì chế độ nô lệ đối với người da đen v.v..

Có thể nói, bất kỳ một bản Hiến pháp nào cũng đều có vị trí dẫn dắt quan trọng đối với nhận thức của những người lãnh đạo quốc gia và đối với công dân. Đó chính là giá trị tư tưởng của nó.

Ý kiến