0Bình luận

Các hình thức cấu trúc nhà nước đã trong lịch sử

Hình thức cấu trúc nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo các đơn vị hành chính – lãnh thổ và xác lập mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với nhau.

Định nghĩa trên cho thấy, xem xét hình thức cấu trúc của nhà nước là xem xét cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo các đơn vị hành chính – lãnh thổ, cụ thể là xem xét cách thức cấu tạo nhà nước thành các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương, xác định địa vị pháp lý của chính quyền mỗi cấp cũng như quan hệ giữa các cấp chính quyền với nhau.

Theo đó, hình thức cấu trúc nhà nước có thể được chia thành hai dạng cơ bản là nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang, ngoài ra có thể có một dạng cấu trúc nhà nước không cơ bản là nhà nước liên minh.

(i) Nhà nước đơn nhất

Nhà nước đơn nhất là một nhà nước duy nhất trong phạm vi lãnh thổ của đất nước, nắm giữ và thực hiện chủ quyền quốc gia. Nhà nước đơn nhất có các đặc trưng sau:

+ Chủ quyền quốc gia do chính quyền trung ương nắm giữ;

+ Địa phương là những đơn vị hành chính – lãnh thổ không có chủ quyền;

+ Cả nước có một hệ thống chính quyền và một hệ thống pháp luật;

+ Chính quyền gồm hai cấp cơ bản là trung ương và địa phương, quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới…

(ii) Nhà nước liên bang

Nhà nước liên bang là một nhà nước do nhiều nhà nước hợp thành, trong đó có một nhà nước chung cho toàn liên bang và mỗi bang thành viên có một nhà nước riêng. Nhà nước liên bang có các đặc trưng:

+ Chỉ có nhà nước liên bang mới có chủ quyền hoàn toàn, mới được đại diện cho toàn quốc gia, dân tộc để thực hiện chủ quyền quốc gia và mới là chủ thể độc lập của luật quốc tế. Các nhà nước thành viên phải phụ thuộc vào nhà nước liên bang;

+ Trong nhà nước liên bang có nhiều hệ thống cơ quan nhà nước, trong đó một hệ thống là chung cho toàn liên bang, có thẩm quyền tối cao trên toàn lãnh thổ, mỗi bang thành viên lại có một hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi bang đó;

+ Liên bang cũng có nhiều hệ thống pháp luật, nhiều bản hiến pháp, trong đó một hệ thống là chung cho toàn liên bang, có hiệu lực pháp lý cao nhất và trên phạm vi toàn lãnh thổ liên bang, mỗi bang thành viên lại có một hệ thống pháp luật, một bản hiến pháp riêng và chỉ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi bang đó;

+ Sự phân chia quyền lực giữa nhà nước liên bang với các nhà nước thành viên được thể hiện rõ trong cả ba lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(iii) Nhà nước liên minh

Nhà nước liên minh là một nhóm các nhà nước có chủ quyền hoàn toàn liên kết với nhau để thực hiện những mục đích chung nhất định nhưng mỗi nhà nước vẫn giữ chủ quyền riêng (Ví dụ: Liên minh châu Âu). Nhà nước liên minh có các đặc trưng sau:

+ Nhà nước liên minh do nhiều nhà nước hợp thành, có thể có 1 bộ máy nhà nước và 1 hệ thống pháp luật chung cho toàn liên minh, còn mỗi nhà nước thành viên lại có bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật riêng.

+ Tính độc lập của các nhà nước thành viên cao hơn so với trong nhả nước liên bang vì mỗi nhà nước thành viên vẫn là chủ thể độc lập của luật quốc tế.

Ý kiến