Các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước
Quản lý hành chính nhà nước được hiểu là sự tác động có tổ chức và được điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước với quá trình xã hội, hành vi hoạt động của công dân, do cơ quan trong hệ thống hành pháp tiến hành nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội và duy trì an ninh trật tự
Quản lý hành chính nhà nước là quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, được thực hiện bởi bên có thẩm quyền hành chính nhà nước trong quan hệ chấp hành, điều hành như chính phủ và các cơ quan hành chính địa phương các cấp.
Nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước bao gồm những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo để xây dựng ,tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Các nguyên tắc này phản ánh bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa và những yêu cầu khác để đảm bảo cho nhà nước tồn tại, phát triển và các cơ quan hành chính hoạt động hiệu quả.
Nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước gồm hai nhóm chính: là nhóm nguyên tắc chung và những nguyên tắc riêng, cụ thể:
(i) Nhóm các nguyên tắc chung
Các nguyên tắc lãnh đạo chung bao gồm:
– Nguyên tắc lãnh đạo nhà nước: Lãnh đạo nhà nước thực hiện công tác quản lý thông qua đường lối và các chính sách, các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, qua công tác kiểm tra thực hiện các đường lối, chính sách do Đảng đề ra.
– Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội: Nhân dân lao động tham gia vào công tác quản lý nhà nước thông qua các hoạt động và hình thức như: bầu cử, thảo luận các dự thảo văn bản pháp luật, giám sát việc thực hiện hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức. Để thực hiện nguyên tắc này, nhà nước cần xây dựng và đảm bảo thực hiện trong thực tế các thiết chế để nhân dân có thể tham gia vào công tác này một cách trực tiếp và gián tiếp.
– Nguyên tắc tập trung dân chủ: Đây là nguyên tắc có tầm quan trọng hàng đầu và chi phối trực tiếp các hoạt động của bộ máy nhà nước và được quy định trong Hiến pháp. Yêu cầu của nguyên tắc này là đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Trung ương và cấp cấp trên cơ sở phát huy đầy đủ quyền chủ động và sáng tạo của cấp dưới.
– Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và hiệu quả hoạt động của nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân. Thực hiện nguyên tắc này cần tiến hành xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh và đảm bảo cho pháp luật được thực hiện trong thực tế.
– Nguyên tắc có kế hoạch và khách quan: Nguyên tắc này yêu cầu mọi tổ chức, hoạt động của nhà nước phải có kế hoạch, được cân nhắc và tính toán, không được tùy tiện, ngẫu hứng đưa ra quyết định vội vàng, chắp vá. Mọi kế hoạch phải đảm bảo tính khách quan, được nghiên cứu luận chứng, có cơ sở khoa học thực tiễn.
– Nguyên tắc công khai, lắng nghe ý kiến của nhân dân và dư luận: Tức là mọi hoạt động của nhà nước phải được công khai để dân biết trừ những thông tin, hoạt động mang tính bí mật quốc gia. Để thực hiện được nguyên tắc này cần xây dựng chế độ công khai trong tổ chức, hoạt động của nhà nước và xây dựng chế độ công khai trong tổ chức,quy định trách nhiệm định kỳ báo cáo công việc trước dân.
(ii) Nhóm các nguyên tắc riêng
Quản lý hành chính nhà nước cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc riêng sau:
– Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ: Hệ thống bộ máy hành chính nhà nước được tổ chức theo cấu trúc ngành, liên ngành và tổ chức theo cấp hành chính nên việc quản lý hành chính nhà nước cũng cần đảm bảo kết hợp quản lý theo ngành và theo vùng lãnh thổ.
– Nguyên tắc phân định và kết hợp chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với quản lý kinh doanh: Các cơ quan hành chính nhà nước quản lý các đơn vị kinh doanh thông qua các chính sách, pháp luật hoặc đòn bẩy kinh tế nhưng không trực tiếp can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải huy động và sử dụng tốt nguồn vốn và các tài sản sản được giao thẳm thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội mà nhà nước quy định.
– Nguyên tắc tập trung, thống nhất và thông suốt: Nguyên tắc này là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Để thực hiện, cấp dưới phải thi hành nghiêm chỉnh và chính xác các mệnh lệnh, quyết định của cấp trên.
– Nguyên tắc hai chiều trực thuộc: Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương,cơ sở vừa trực thuộc chịu sự quản lý và điều hành của cơ quan hành chính cấp trên vừa là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Do đó, cơ quan hành chính nhà nước vừa trực thuộc hệ thống ngang vừa trực thuộc hệ thống dọc.
– Nguyên tắc trực thuộc thẳng: Tức là mỗi cán bộ, công chức hành chính, mỗi cơ quan hành chính nhà nước chỉ có một đầu mối, một người chỉ huy, điều hành.
– Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Nguyên tắc này đề cao trách nhiệm cá nhân của người phụ trách trong quản lý hành chính nhà nước. Để ban hành các quyết định hay mệnh lệnh, các cơ quan hành chính nhà nước phải có sự trao đổi, thảo luận, huy động được trí tuệ tập thể nhưng ý kiến của thủ trưởng, người phụ trách luôn có tính quyết định.
Nguồn: Tổng hợp