Các nước quân chủ chuyên chế hiện nay
Trên thế giới hiện còn bốn nước quân chủ chuyên chế: Va-ti-căng, ả -rập Xê-út, Bru-nây và Ô-man.
Tại Va-ti-căng, Giáo hoàng là người nắm quyền lực tối cao của Tòa thánh và chính quyền nhà nước Va-ti-căng, thâu tóm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội đồng Hồng y Giáo chủ đóng vai trò như cơ quan lập pháp, nhưng về thực tế chỉ là cơ quan tư vấn cho Giáo hoàng, soạn thảo các thánh luật và văn bản khác để Giáo hoàng công bố.
Ả – rập Xê-út không có cơ quan lập pháp, chỉ có Hội đồng tư vấn được thành lập từ tháng 12- 1993. Các thành viên Hội đồng này do Quốc vương bổ nhiệm, có quyền đề xuất lập pháp, tranh luận các chính sách của chính phủ, nhưng không có quyền lập pháp, không có quyền thành lập hay bãi miễn chính phủ.
Tại Bru-nây, phải đến tháng 9 – 2004, Hội đồng lập pháp mới được thành lập lại sau 20 năm không tồn tại. Các thành viên Hội đồng do Quốc vương bổ nhiệm, sau đó sẽ được thay thế bằng một Hội đồng mới với một số nghị sỹ được bầu trực tiếp. Chủ trì công việc của Hội đồng là Quốc vương.
Ô-man cũng có một cơ quan lập pháp hai viện, nhưng trên thực tế chỉ đóng vai trò tư vấn. Trừ Va-ti-căng là trung tâm Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, ba nước quân chủ chuyên chế còn lại đều là các nước quân chủ Hồi giáo, tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Hồi, những tàn tích phong kiến còn lưu lại đậm nét trong đời sống xã hội.
Gần đây, mặc dù có một số cải cách dân chủ được thực hiện, nhưng sự phát triển toàn diện của đất nước vẫn phụ thuộc vào “đấng minh quân”, người nắm giữ quyền lực tối cao trong bộ máy nhà nước. Cơ quan lập pháp nếu có cũng chỉ là cơ quan tư vấn chứ không phải là một nhánh quyền lực đối trọng với Nhà vua.