Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước quan trọng nhất
Quản lý hành chính nhà nước được hiểu là sự tác động có tổ chức và được điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước với quá trình xã hội, hành vi hoạt động của công dân, do cơ quan trong hệ thống hành pháp tiến hành nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội và duy trì an ninh trật tự
Phương pháp quản lý hành chính nhà nước bao gồm 04 phương pháp là: Phương pháp cưỡng chế, phương pháp thuyết phục, phương pháp kinh tế và phương pháp hành chính. Cụ thể như sau:
(i) Phương pháp cưỡng chế:
Bao gồm các biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân cụ thể trong trường hợp pháp luật quy định buộc tổ chức, cá nhân đó phải thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định hay phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể.
Có bốn loại cưỡng chế nhà nước là cưỡng chế hình sự, dân sự, cưỡng chế hành chính và cưỡng chế kỷ luật.
(ii) Phương pháp thuyết phục:
Phương pháp này do chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình.
Bản chất của phương pháp thuyết phục là giúp các đối tượng quản lý hiểu rõ cần thiết và tự giác thực hiện hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định nào đó.
Các biện pháp thuyết phục phổ biến kể đến như: giải thích, hướng dẫn, chứng minh, thuyết phục…
(iii) Phương pháp kinh tế:
Bao gồm những biện pháp thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích kinh tế nhằm mục đích tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý.
Các biện pháp kinh tế có thể kể đến như: Chế độ thưởng, xử phạt; chế độ hạch toán kinh tế; quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh…
(iv) Phương pháp hành chính:
Là phương thức tác động trực tiếp của chủ thể quản lý đến tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý thông qua quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và sự phục tùng.