Cách mạng xã hội chủ nghĩa có phải là tất yếu không? Vì sao?
Xã hội loài người được bắt đầu từ hình thái kinh tế xã hội cộng sản nguyên thuỷ, hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thái kinh tế – xã hội phong kiến, hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa.
Theo đúng quy luật thì hình thái kinh tế – xã hội tư bản nhất định sẽ được thay thế bằng hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Theo đúng quy luật diễn ra trong lịch sử sự thay thế này đều có nguyên nhân do lực lượng sản xuất phát triển dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất, mâu thuẫn này thường được giải quyết bằng một cuộc cách mạng xã hội.
Nhưng căn cứ vào điều kiện lịch sử đang diễn ra khi mà chủ nghĩa tư bản cạnh tranh đã chuyển sang giai đoạn đế quốc xâm lược. Lênin cho rằng: “ở những nước tư bản chủ nghĩa mới ở trình độ trung bình và thậm chí ở những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản sau khi giai cấp công nhân làm cuộc cách mạng thành công cũng có thể bước ngay vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Luận điểm của Lênin dự báo sự chuyển biến lên hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa ở những nước tư bản chủ nghĩa mới ở trình độ trung bình và thậm chí ở những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn có cơ sở.
Hình thức “đặc biệt” đã xảy ra ở Nga và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Hình thức: “đặc biệt của đặc biệt” cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên, Lào.
Sự ra đời hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là một quy luật. Ngày nay, giai cấp tư sản cũng đã phần nào ý thức được quy luật vận động của hình thái kinh tế – xã hội, họ cũng đã cố gắng vận dụng điều chỉnh. Vì vậy, sự căng thẳng giữa tư sản và vô sản ở các nước tư bản có vẻ như như đã dịu bớt. Nhưng những mâu thuẫn cố hữu vốn có trong kinh tế và trong lĩnh vực xã hội của chủ nghĩa tư bản là không thể mất đi được, mà nó chỉ là tạm thời.
Mâu thuẫn đó chỉ có thể được giải quyết một khi toàn bộ các tư liệu sản xuất trở thành của toàn xã hội. Vì vậy, khi luận chứng về tính tất yếu sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa Lênin đã cảnh báo: đừng có ảo tưởng mơ hồ vào sự tự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, mặc dù phương thức sản xuất tư bản đã lỗi thời nhưng giai cấp tư sản sẽ kiên quyết bảo vệ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa bằng đủ mọi phương tiện mà chúng có trong tay.
Vì vậy, muốn thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, cần phải có hành động cách mạng tự giác của quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của một Đảng tiên phong, Đảng của giai cấp công nhân.
Ngày nay, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, phức tạp. Chủ nghĩa tư bản dựa vào ưu thế về kinh tế, khoa học – công nghệ và sức mạnh quân sự đang tìm mọi cách phổ biến những giá trị của phương Tây, tuyên truyền quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hoặc “phi giai cấp”, ”phi ý thức hệ”,” phi chính trị”; làm lẫn lộn giữa đúng, sai, phải, trái nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội và những lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, đặc biệt đối với các nước xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc đã thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, tuyên truyền các lý thuyết tư sản, tìm mọi cách phủ nhận học thuyết Mác – Lênin, mặt khác, chúng đang tìm cách mua chuộc, làm thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Do vậy các đảng cộng sản, các nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng bằng nhiều cách khác nhau, phê phán những tư tưởng phản động, hiếu chiến muốn duy trì sự thống trị, sự áp bức giữa nước giàu đối với nước nghèo, nước lớn đối với nước nhỏ; cổ vũ cho cuộc đấu tranh, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện nay chỉ là tạm thời, nhiều nước xã hội chủ nghĩa vẫn đang tồn và đang tiến hành cải cách đổi mới để phát triển như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, Lào. Cuộc đấu tranh vì lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới.
Hiện tượng nổi bật ngoạn mục nhất là ở châu Mỹ la tinh là sân sau của nước Mỹ đã có bốn nước do các Đảng cánh tả nắm quyền sau bầu cử và đã tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như: Venezuela, Bolivia, Êcuađo, Nicaragoa ngoài ra còn có các nước như: Argentina, Chile, Uruguay, Brazil, cũng do các Đảng cánh tả nắm chính quyền và có xu hướng xã hội chủ nghĩa, ở Liên – Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông u nhân dân lao động cũng đang cùng với những người cộng sản trung kiên đấu tranh vì lý tưởng cộng sản.
Xu thế của thời đại ngày nay vẫn là độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là một tất yếu khách quan, là mục tiêu của thời đại.