Cách tính giá xe ô tô lăn bánh 2023
Tổng chi phí từ lúc mua xe đến khi xe được phép lưu hành trên đường thường được gọi là “giá lăn bánh” thực tế của xe sẽ khác so với giá niêm yết. Cụ thể:
1. Giá xe ô tô niêm yết là gì?
Giá xe ô tô niêm yết là mức giá mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai đến khách hàng về mức giá mua, giá bán ô tô.
Giá niêm yết ôtô là giá do hãng sản xuất hoặc nhà phân phối chính hãng cung cấp tại thời điểm ra mắt hoặc khi mở bán. Người tiêu dùng có thể tìm thấy giá niêm yết xe ôtô trên các website hãng hoặc qua các trang thông tin về ôtô.
2. Giá xe ô tô lăn bánh là gì?
Giá lăn bánh xe ôtô là mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng chi trả để chiếc xe được lưu hành trên đường phố đúng luật. Giá lăn bánh của xe thường bao gồm các khoản phí. Do đó, giá xe lăn bánh ôtô thường cao hơn mức giá niêm yết hay giá thực tế tại đại lý.
Chi phí đăng ký khi mua xe ôtô, bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bảo hiểm bắt buộc, tùy từng loại xe); Phí đăng kiểm (tùy từng loại xe); Chi phí bảo trì đường bộ (tùy từng loại xe); Phí trước bạ: 10%; Lệ phí cấp biển số (tùy từng địa phương).
Không chỉ vậy, việc ra được giá lăn bánh còn có thể thêm các khoản phí khác (không bắt buộc) như bảo hiểm thân xe, phí dịch vụ… Đó là chưa kể giá tùy thời điểm các đại lý còn có chương trình khuyến mãi khác nhau, mua xe vay ngân hàng, mua xe bằng tiền mặt,… nên giá lăn bánh của xe ôtô cũng khác nhau. Do đó, người tiêu dùng cũng đừng quá bất ngờ tại sao cùng 1 loại xe, ở 1 thời điểm mà có 2, 3 giá mức giá lăn bánh.
3. Cách tính giá xe ô tô lăn bánh
Dựa trên quy định về các loại phí, người mua có thể dễ dàng nhẩm tính giá lăn bánh các dòng xe phổ thông, cụ thể như sau:
(i) Giá niêm yết tại đại lý xe.
(ii) Lệ phí trước bạ
Phí trước bạ là khoản phí được quy định là người sở hữu tài sản phải tiến hành kê khai trước khi đưa tài sản đó vào sử dụng. Khi mua xe ô tô thì đây là khoản phí cần phải nộp cho cơ quan thuế trước khi bạn đăng ký quyền sở hữu xe ô tô của mình. Có thể nói, lệ phí trước bạ này là một khoản thu ngân sách nhà nước do chính chủ xe nộp cho nhà nước để được nhà nước công nhận địa vị hợp pháp của mình khi sở hữu xe.
(iii) Lệ phí đăng ký biển số cho từng khu vực nhất định.
(iv) Phí đăng kiểm
Phí đăng kiểm ô tô nhằm đảm bảo xe được lưu thông đạt tiêu chuẩn chất lượng mà pháp luật ban hành. Hiện nay, phí đăng kiểm lưu hành có mức cao nhất là 560 ngàn đồng và thấp nhất 240 ngàn đồng đối với từng loại xe cơ giới khác nhau.
(v) Phí bảo trì đường bộ
Phí bảo trì đường bộ các chủ phương tiện đều phải nộp để nhằm mục đích bảo trì và nâng cấp đường bộ phục vụ cho các phương tiện đã đóng phí lưu thông.
Mức phí này thường sẽ đóng theo năm và mỗi loại phương tiện khác nhau sẽ có mức phí phải đóng theo quy định khác nhau.
Vì thế, các chủ phương tiện khi có ý định mua xe ô tô cần lưu ý loại phí này để đóng nộp đầy đủ. Điều này đảm bảo việc sử dụng xe được hiệu quả và đúng quy định.
(vi) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm dân sự bắt buộc là một loại bảo hiểm dựa theo tiêu chí “lấy số đông bù số ít”. Điều này sẽ giúp cơ quan bảo hiểm giúp người gây tai nạn chi trả nếu trường hợp chủ xe gây tai nạn và có tham gia bảo hiểm dân sự.
(vii) Phí bảo hiểm vật chất
Đây là gói bảo hiểm mà không bắt buộc chủ phương tiện phải mua. Tuy nhiên, nếu tham gia gói bảo hiểm vật chất xe sẽ giúp cho chủ phương tiện giảm bớt gánh nặng đối với những trường hợp tai nạn hay có va chạm, mất cắp. Những trường hợp này thì chủ phương tiện sẽ được bên bảo hiểm hỗ trợm bù đắp các thiệt hại.
Như vậy, giá lăn bánh của một chiếc ô tô cơ bản sẽ được tính như sau:
Giá lăn bánh = Giá niêm yết + Lệ phí trước bạ + Lệ phí đăng ký biển số + Phí đăng kiểm + Phí bảo trì đường bộ + Bảo hiểm trách nhiệm dân sự + Phí bảo hiểm vật chất