Doanh nghiệp - Đầu tưTin pháp luậtTin tức pháp luật nổi bật

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023

Theo quy định tại Luật Thuế TNDN và các quy định khác hướng dẫn liên quan thì căn cứ tính Thuế TNDN là thu nhập chịu Thuế TNDN và thuế suất Thuế TNDN (sau đây gọi tắt là Thuế TNDN).

Theo đó, công thức tính Thuế TNDN tạm tính theo quý và thực nộp cuối năm được xác định như sau:

Thuế TNDN phải nộp = [Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN] x Thuế suất thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp không trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì công thức tính thuế như sau:

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính Thuế TNDN x Thuế suất Thuế TNDN

– Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp Thuế TNDN ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp Thuế TNDN ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư chuyển về có mức thuế suất Thuế TNDN thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số Thuế TNDN tính theo Luật Thuế TNDN của Việt Nam.

– Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài, thực hiện kê khai và nộp Thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành của Việt Nam, kể cả trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập theo quy định của nước doanh nghiệp đầu tư. Mức thuế suất Thuế TNDN để tính và kê khai thuế đối với các khoản thu nhập từ nước ngoài là 20%, không áp dụng mức thuế suất ưu đãi (nếu có) mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang được hưởng theo Luật Thuế TNDN hiện hành.

– Trường hợp khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài đã chịu Thuế TNDN (hoặc một loại thuế có bản chất tương tự như Thuế TNDN) ở nước ngoài, khi tính Thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài hoặc đã được đối tác nước tiếp nhận đầu tư trả thay (kể cả thuế đối với tiền lãi cổ phần), nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo quy định của Luật Thuế TNDN của Việt Nam. Số Thuế TNDN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được miễn, giảm đối với phần lợi nhuận được hưởng từ dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp của nước doanh nghiệp đầu tư cũng được trừ khi xác định số Thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam.

– Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài có chuyển phần thu nhập về nước mà không thực hiện kê khai, nộp thuế đối với phần thu nhập chuyển về nước thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trong đó:

(i) Thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu Thuế TNDN – Thu nhập được miễn Thuế TNDN + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

– Cách xác định thu nhập chịu Thuế TNDN

Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ và các thu nhập khác:

Thu nhập chịu Thuế TNDN = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Lưu ý: Doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh thì thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là tổng thu nhập của tất cả các hoạt động kinh doanh. Trường hợp nếu có hoạt động kinh doanh bị lỗ thì được bù trừ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động kinh doanh có thu nhập do doanh nghiệp tự lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất Thuế TNDN của hoạt động kinh doanh còn thu nhập.

+ Cách xác định Doanh thu để tính Thuế TNDN:

Doanh thu chịu thuế là toàn bộ số tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. Trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ.

++ Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.

Ví dụ: Doanh nghiệp A là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế. Hóa đơn giá trị gia tăng gồm các chỉ tiêu như sau:

Giá bán: 100.000 đồng.

Thuế GTGT (10%): 10.000 đồng.

Giá thanh toán: 110.000 đồng.

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 100.000 đồng.

++ Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là doanh thu bao gồm thuế GTGT.

Ví dụ: Doanh nghiệp B là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Hóa đơn bán hàng chỉ ghi giá bán là 110.000 đồng (giá đã có thuế GTGT).

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 110.000 đồng.

++ Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của số năm thu tiền trước chia (:) cho số năm thu tiền trước.

+ Cách xác định khoản Chi phí được trừ:

Ngoại trừ các khoản chi không được trừ tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

++ Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

++ Khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp

++ Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên (đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Cách xác định Các khoản thu nhập khác:

Các khoản thu khác bao gồm: thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay, tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, hàng cho biếu tặng…

– Thu nhập được miễn Thuế TNDN: Các khoản này thường rất ít gặp và chỉ dành cho một số doanh nghiệp đặc thù.

Các khoản lỗ được kết chuyển: Có thể hiểu là số tiền chênh lệch âm của thu nhập tính thuế, chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước đó. Sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế năm mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo sau năm phát sinh lỗ.

(ii) Thuế suất Thuế TNDN được xác định như sau:

Theo quy định tại Điều 11, Thông tư 78/2014/TT-BTC, mức thuế suất TNDN được xác định như sau:

– Áp dụng thuế suất 20% cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt doanh thu.

– Những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các tài nguyên quý hiếm sẽ áp dụng mức thuế suất 32-50% tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ.

– Các doanh nghiệp có hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác các tài nguyên quý hiếm như bạch kim, vàng, bạc, thiếc, đá quý… sẽ áp dụng mức thuế suất 50%.

– Các doanh nghiệp thăm dò khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích trở lên ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm quyết định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ áp dụng mức thuế suất 40%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *