Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp 2023 có gì mới?
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho thuế trực thu, mức thuế phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thuế suất được áp dụng ổn định, thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế tính trên thu nhập của các doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
1. Đối tượng của thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 2 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối tượng của thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài, có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
– Tổ chức được thành lập theo luật Hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
2. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp, năm dương lịch hoặc năm tài chính sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kỳ tính thuế năm đầu tiên hoặc cuối cùng không được vượt quá 15 tháng.
Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại thì không được phép quá 12 tháng.
Trường hợp chuyển đổi khi đang hưởng ưu đãi thuế thì ưu đãi đó có thể được hưởng sang năm tiếp theo.
3. Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế TNDN phải nộp = [ Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)] x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó, thu nhập tính thuế bằng thu nhập chịu thuế, trừ thu nhập được miễn thuế và lỗ được kết chuyển.
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Lỗ được chuyển kết
Thu nhập chịu thuế là kết quả từ doanh thu trừ đi các chi phí được trừ, cộng với các khoản thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản Thu nhập khác
Trong đó, doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ, bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, và không bao gồm chiết khấu thương mại, giảm giá, hàng bị trả lại. Còn thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như: chuyển nhượng bất động sản, lãi vay, tiền đền bù hợp đồng,…
Lưu ý: doanh thu không bao gồm thuế GTGT, nếu doanh nghiệp đã khấu trừ trước đó; trái lại nếu nộp thuế GTGT trực tiếp thì doanh thu đã bao gồm thuế.
Thu nhập miễn thuế gồm 12 trường hợp, như: thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi của hợp tác xã, thu nhập từ lao động của người khuyết tật, ngành nghề của người dân tộc thiểu số, người cai nghiện,…
Lỗ chuyển kết được chuyển từ lỗ phát sinh trong kì tính thuế, chính là số chênh lệch âm (-) về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ năm trước chuyển sang.
Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Tại Điều 11, Thông tư 78/2014/TT-BTC, mức thuế suất phổ thông cho các doanh nghiệp là 20%. Riêng với các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, tài nguyên hiếm, thuế suất dao động từ 32 – 50%.
Mỗi doanh nghiệp có rất nhiều hoạt động kinh doanh, bởi vậy phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động với mỗi thuế suất tương ứng.
Trường hợp doanh nghiệp VN đầu tư ở nước ngoài, thì phần thu nhập sau khi đã nộp thuế ở nước ngoài, khi chuyển về VN sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định tránh thuế lần 2 (nếu nước đó có kí).
Trường hợp chưa kí hiệp định trên, nếu thuế thu nhập ở nước ngoài có mức thuế suất thấp hơn so với trong nước thì sẽ thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật tại VN.
4. Chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Để xác định doanh nghiệp có được trừ các khoản chi phí khi tính thuế thu nhập, cần xem xét các nguyên tắc sau đây:
– Khoản chi phí được trừ liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kì tính thuế.
– Chi phí thực sự chi ra (hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng với đầy đủ chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt).
– Mức chi hợp lí, theo căn cứ định mức, giá thị trường.
– Có tính chất thu nhập hơn là vốn.
5. Kê khai, nộp, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
– Kê khai thuế:
Theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần kê khai đầy đủ tờ khai quyết toán và các phụ lục.
Với tờ khai quyết toán, Taca sẽ hướng dẫn bạn 6 bước để hoàn thành như sau:
Bước 1: xác định tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bước 2: xác định khoản điều chỉnh tăng, giảm lợi nhuận trước thuế.
Bước 3: Xác định các khoản thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có).
Bước 4: điều chỉnh lỗ từ năm trước chuyển sang bao gồm cả lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có).
Bước 5: xác định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế đã nộp ở nước ngoài được khấu trừ.
Bước 6: xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp trong kỳ.
Các phụ lục cần khai bao gồm: phụ lục kết quả kinh doanh, phụ lục ưu đãi thuế, phụ lục giao dịch với các công ty liên kết, chuyển lỗ,…
– Nộp thuế:
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp.
Trường hợp nộp thiếu con số kể trên, doanh nghiệp phải nộp phí phạt nộp chậm thuế và được tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn lại vào ngân sách nhà nước.
– Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:
Việc quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 theo năm tài chính hoặc năm dương lịch.