Cơ sở phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính
Quan hệ pháp luật hành chính chỉ phát sinh, thay đổi hay chấm dứt khi có đủ ba điều kiện:
– Quy phạm pháp luật hành chính;
– Năng lực chủ thể hành chính;
– Sự kiện pháp lý hành chính.
(i) Quy phạm pháp luật hành chính: Là cơ sở ban đầu cho sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính, bởi vì quan hệ pháp luật hành chính quy định:
– Điều kiện và hoàn cảnh phát sinh quan hệ pháp luật hành chính (bộ phận giả định);
– Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (bộ phận quy định);
– Các biện pháp tác động của nhà nước đối với chủ thể thực hiện hành vi (bộ phận chế tài).
Như vậy, quy phạm pháp luật hành chính quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý hành chính nhà nước, quy định nội dung những quy tắc xử sự của các bên tham gia quan hệ. Do đó nếu không có các chủ thể thì quan hệ pháp luật hành chính không thể phát sinh, thay đổi hay chấm dứt, bản thân nó không tạo ra được quan hệ pháp luật hành chính mà phải có những tình huống, những điều kiện cụ thể khác như chủ thể, sự kiện pháp lý.
(ii) Năng lực chủ thể: là khả năng của một chủ thể pháp luật hành chính, có thể tự mình tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính
(iii) Sự kiện pháp lý hành chính: là những sự kiện thực tế mà khi xảy ra làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính. Hay nói cách khác, sự kiện pháp lý hành chính là những sự kiện xảy ra trong thực tế phù hợp với những điều kiện mà quy phạm pháp luật hành chính dự liệu trước. Sự kiện pháp lý có hai loại: sự kiện pháp lý ý chí và sự kiện pháp lý phi ý chí.
– Sự kiện pháp lý ý chí là những sự kiện xảy ra tùy thuộc vào ý chí của con người.
– Sự kiện pháp lý phi ý chí (còn gọi là sự biến) là những sự kiện xảy ra không phụ thuộc vào ý chí con người, nó mang yếu tố khách quan.
Sự phân loại giữa sự kiện pháp lý có ý chí và phi ý chí là công việc cần thiết cho quá trình nghiên cứu, cũng như xét đến việc truy cứu trách nhiệm pháp lý hành chính sau này, mặc dù những thủ tục giải quyết hậu quả bằng những trình tự pháp lý tương đối giống nhau (đăng ký khai sinh, khai tử). Tuy nhiên, không phải một sự kiện đều tương thích với một loại sự kiện pháp lý trong mọi trường hợp. Sự sinh ra, hoặc chết đi của một con người là một ví dụ. Đó chỉ có thể là sự kiện pháp lý phi ý chí đối với cái chết tự nhiên, sự sinh ra tự nhiên, không có sự can thiệp của khoa học. Vì vậy, việc áp dụng “cái chết nhân đạo” ở Hà lan và một số nước khác lại không được xem là sự kiện pháp lý phi ý chí.