0Bình luận

Cưỡng chế hành chính là gì?

Cưỡng chế hành chính là những biện pháp tác động mang tính bắt buộc được Luật Hành chính quy định.

Cưỡng chế hành chính là gì?

Cưỡng chế hành chính là những biện pháp tác động mang tính bắt buộc được Luật Hành chính quy định, mà cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền của cơ quan nhà nước áp dụng để xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; để truy cứu trách nhiệm hành chính; phòng ngừa vi phạm pháp luật hoặc trong những trường hợp cần thiết được pháp luật quy định để bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân.

Đặc điểm của cưỡng chế hành chính

Cưỡng chế hành chính có các đặc điểm:

– Cưỡng chế hành chính do các quy phạm pháp luật hành chính quy định và được áp dụng theo thủ tục hành chính;

– Nội dung của cưỡng chế hành chính là hạn chế một số quyền tự do và quyền tài sản của cá nhân, tổ chức; không gây thiệt hại về tính mạng;

– Cưỡng chế hành chính chủ yếu do cơ quan hành chính nhà nước và những người có thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước áp dụng;

– Cưỡng chế hành chính không chỉ áp dụng khi có vi phạm xảy ra mà còn áp dụng khi không có vi phạm xảy ra. Đó là những biện pháp cưỡng chế nhằm mục đích ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro hoặc thiệt hại.

Các biện pháp cưỡng chế hành chính cơ bản

Căn cứ vào mục đích áp dụng có thể phân loại các biện pháp cưỡng chế hành chính thành các nhóm sau đây:

(i) Các biện pháp phòng ngừa hành chính: những biện pháp này được áp dụng nhằm ngăn ngừa những vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước hoặc để đảm bảo an toàn xã hội trong các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh. Những biện pháp này có thể được áp dụng khi không có vi phạm hành chính xảy ra.

(ii) Các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính, bao gồm chín biện pháp được quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

– Tạm giữ người;

– Áp giải người vi phạm;

– Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

– Khám người;

– Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

– Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

– Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

– Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

– Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

(iii) Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm năm biện pháp được quy định từ Điều 21 đến Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

– Trục xuất.

Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính; còn 03 hình thức xử phạt còn lại có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

(iv) Các biện pháp khắc phục hậu quả vi hành chính, bao gồm mười biện pháp được quy định tại Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

– Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

– Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

– Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

– Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

– Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp theo quy định của pháp luật hành chính.

(v) Các biện pháp xử lý hành chính, bao gồm các biện pháp được quy định từ Điều 89 đến Điều 96 c 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

– Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

– Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

– Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm.

Ý kiến