Dấu hiệu nhận biết thực thể là quốc gia và thuộc tính chính trị- pháp lý của quốc gia trong luật quốc tế
Quốc gia là chủ thể cơ bản của Luật quốc tế. Việc xem xét quốc gia với tư cách là chủ thể cơ bản của Luật quốc tế có liên hệ mật thiết với các yếu tố để hình thành và phát triển quốc gia.
Cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về quốc gia. Thông thường các giáo trình khi đề cập đến định nghĩa quốc gia thường bắt đầu bằng Công ước về quyền và nghĩa vụ của quốc gia năm 1933 (Công ước Montevideo). Công ước này không phải là một Điều ước đa phương phổ quát mà chỉ là một Điều ước gồm thành viên là 16 quốc gia ở khu vực Châu Mỹ. Công ước này không có giá trị ràng buộc, nhưng nó là công ước duy nhất quy định các dấu hiệu nhận biết quốc gia, do đó để nhận biết trên thực tế một thực thể có phải là quốc gia không, người ta thường viện dẫn trong công ước Montevideo.Theo công ước này, một thực thể được coi là quốc gia theo pháp luật quốc tế cần đáp ứng các điều kiện sau: (1) Lãnh thổ xác định; (2) Dân cư cư trú thường xuyên; (3) Chính phủ hữu hiệu; (4) Tham gia vào các quan hệ một cách độc lập với các chủ thể quốc tế khác.
>>> Xem thêm:
- 200 câu nhận định đúng sai môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Đất đai có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật So sánh có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Hành chính có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai Luật tố tụng dân sự có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai có đáp án môn Luật Thương mại quốc tế
- 300 câu nhận định đúng sai môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật
(1) Lãnh thổ xác định: Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất, bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng nước và vùng lòng đất thuộc chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối, đầy đủ hoặc riêng biệt của quốc gia. Lãnh thổ là cơ sở vật lý quan trọng cho sự tồn tại của một quốc gia. Lãnh thổ xác định ở đây không được hiểu là lãnh thổ đó phải có đường biên giới rõ ràng với các quốc gia xung quanh; lãnh thổ với tất cả các biên giới đang tranh chấp với quốc gia khác vẫn thoả mãn tiêu chí này mà quan trọng là phải có một khu vực lãnh thổ nào đó với một cộng đồng ổn định và chính quyền quản lý; có thể biên giới của khu vực đó đang tranh chấp nhưng phải có một bộ phận cốt lõi bên trong không tranh chấp – bộ phận không nghi ngờ gì là lãnh thổ quốc gia đó. Sự tồn tại của một lãnh thổ thuộc một quốc gia là vấn đề tách biệt với việc phạm vi và ranh giới của lãnh thổ đó. Vấn đề diện tích tối thiểu của một quốc gia là bao nhiêu hay địa hình bất lợi đều không có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại hay mất đi danh nghĩa quốc gia.
(2) Dân cư cư trú thường xuyên: Dân cư là tổng hợp những người sinh sống, cư trú trên một lãnh thổ của một quốc gia nhất định và chịu sự điêu chỉnh của pháp luật quốc gia đó. Không một quốc gia nào mà không có cộng đồng dân cư. Điều 1 Công ước Montevideo yêu cầu công đồng dân cư phải mang tính “thường trú” (permanent) theo nghĩa cộng đồng dân cư đó phải sinh sống một cách lâu dài trên lãnh thổ quốc gia đó, tạo thành một cộng đồng ổn định (a stable community).
(3) Chính phủ hữu hiệu: Chính phủ với tư cách là đại diện cho quốc gia trong quan hệ quốc tế. Chính phủ của một quốc gia phải là chính phủ thực thi được một cách có hiệu quả quyền lực nhà nước trên phần lớn hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia một cách độc lập, không bị chi phối, khống chế bởi quốc gia khác.
(4) Có khả năng tham gia vào các quan hệ một cách độc lập với các chủ thể quốc tế khác: Nội dung cốt lõi của tiêu chí này là tính độc lập (independence) của thực thể đang xem xét. Chủ thể có thể tham gia quan hệ quốc tế thông qua hành vi của mình hoặc ủy quyền cho chủ thể khác đại diện cho mình trong quan hệ quốc tế.
Chủ quyền là thuộc tính chính trị – pháp lý của quốc gia
Chủ quyền là thuộc tính chính trị – pháp lý không thể tách rời của quốc gia, bao gồm hai nội dung chủ yếu là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
+ Trong phạm vi lãnh thổ của của mình, quốc gia thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, thông qua những quyết định về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
+ Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của một quốc gia thể hiện qua quyền tự quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia không có sự áp đặt từ chủ thể khác, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Như vậy, các quốc gia dù phát triển hay đang phát triển, có tiềm lực sức mạnh khác nhau đều hoàn toàn bình đẳng với nhau về chủ quyền. Sự thực hiện chủ quyền quốc gia chỉ có thể trọn vẹn khi quốc gia vừa đạt được lợi ích của mình mà không xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quốc tế khác.