Điều kiện ra đời, đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa
1. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa
Lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội đã và đang trải qua hai kiểu tổ chức kinh tế, đó là sản xuất tự cấp tự túc và sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa ra đời vào cuối chế độ công xã nguyên thủy, phát triển đến đỉnh cao dưới chủ nghĩa tư bản và vẫn còn tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Sản xuất hàng hóa chỉ ra đời, khi có đủ hai điều kiện sau đây:
– Điều kiện thứ nhất: Do phân công lao động xã hội một cách tự phát thành các ngành nghề khác nhau, dẫn tới chuyên môn hóa trong sản xuất. Người sản xuất thừa sản phẩm do mình làm ra nhưng lại thiếu các sản phẩm cần thiết khác cho nhu cầu cuộc sống của mình, dẫn tới sự cần thiết trao đổi sản phẩm.
– Điều kiện thứ hai: Do chế độ tư hữu ra đời, người sản xuất có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế, sản phẩm làm ra thuộc quyền sở hữu của cá nhân người lao động, nên họ có quyền trao đổi. Sở hữu tư nhân là một động lực của kinh tế hàng hóa.
2. Đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa so với sản xuất tự cung, tự cấp
– Do mục đích của sản xuất là để trao đổi, để thỏa mãn nhu cầu của thị trường, của xã hội, nên nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao là một động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Kinh tế hàng hóa làm cho lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, tăng trưởng kinh tế cao. Đời sống vật chất, tinh thần phong phú.
– Do cạnh tranh ngày càng gay gắt, buộc người sản xuất phải ứng dụng khoa học công nghệ, năng động trong sản xuất kinh doanh, để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
– Do quan hệ mở, giao lưu kinh tế, văn hóa phong phú nên đời sống vật chất tinh thần ngày phát triển cao. Nhu cầu vật chất, tinh thần không ngừng nâng cao là một động lực thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển.
3. Những hạn chế của sản xuất hàng hóa
Kinh tế hàng hóa có mặt tích cực như đã nêu trên, đồng thời có mặt trái, mặt hạn chế biểu hiện:
– Phân hóa giàu nghèo.
– Điều tiết tự phát nền kinh tế.
– Khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh không lành mạnh, làm giàu bất chính, suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội và tội phạm phát triển.