0Bình luận

DNTN có tư cách pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp 2020 không?

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

(ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định sau:

– Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

– Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

(iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

(iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điều 180 và Điều 181 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Điều 189. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân

1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Như vậy: có thể thấy vốn của doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch với tài sản của Chủ doanh nghiệp tư nhân, không đáp ứng điều kiện thứ (iii) nêu trên.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Qua đó có thể thấy rằng doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh chính mình để tham gia hoạt động tố tụng với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của chủ doanh nghiệp tư nhân, không đáp ứng điều kiện thứ (iv) kể trên.

Do đó: Có thể thấy doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng đủ các điều kiện để được xem là một pháp nhân theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 nêu trên, nên doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Ý kiến