1Bình luận

Đối tượng nghiên cứu và chức năng của kinh tế chính trị Mác – Lê nin

Phân tích đối tượng nghiên cứu và chức năng của kinh tế chính trị Mác – Lê nin?

>>> Xem thêm:

1. Đối tượng của kinh tế chính trị

Kinh tế chính trị học nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người hình thành trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất, tức là nghiên cứu quan hệ sản xuất.

Nó không nghiên cứu quan hệ sản xuất một cách cô lập mà nghiên cứu nó trong mối quan hệ tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng trong một chừng mực cần thiết nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu quan hệ sản xuất.

Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất nhưng không chỉ nghiên cứu các hiện tượng bề ngoài mà thông qua các hiện tượng bề ngoài để nghiên cứu bản chất của quan hệ sản xuất, vạch ra các quy luật vận động của quan hệ sản xuất, các quy luật kinh tế.

Quy luật kinh tế phản ánh những mối quan hệ tất yếu, bản chất, thường xuyên lặp đi lặp lại của các hiện tượng và quá trình kinh tế. Ví dụ: Trong quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội phát sinh ra mối liên hệ tất yếu bền vững giữa lượng lao động hao phí ngày càng giảm với lượng sản phẩm làm ra ngày càng tăng, mối quan hệ tất yếu này là quy luật tăng năng suất lao động xã hội.

Quy luật kinh tế chỉ có thể phát sinh thông qua sự hoạt động của con người.

Trong mỗi phương thức sản xuất có 3 loại quy luật kinh tế hoạt động đó là:

Quy luật kinh tế chung cho mọi phương thức sản xuất ( quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất)

Quy luật kinh tế chung cho một số phương thức sản xuất (quy luật giá trị)

Quy luật kinh tế đặc thù của mỗi phương thức sản xuất trong đó có một quy luật kinh tế cơ bản phản ánh bản chất chung của phương thức sản xuất và quy định xu hướng vận động của phương thức sản xuất đó.

Các phương thức sản xuất khác nhau bởi các quy luật kinh tế đặc thù nhưng lại quan hệ với nhau bởi những quy luật kinh tế chung.

2. Chức năng của kinh tế chính trị

Chức năng nhận thức: Thực hiện chức năng này kinh tế chính trị học nghiên cứu và giải thích các hiện tượng và quá trình kinh tế của đời sống xã hội để phát hiện bản chất của các hiện tượng và các quy luật chi phối sự vận động của chúng.

Chức năng thực tiễn: Kinh tế chính trị học không chỉ phát hiện các quy luật kinh tế mà còn nghiên cứu cơ chế, các phương pháp và hình thức vận dụng chúng vào thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng thời kỳ nhất định. Và cũng từ thực tiễn để rút ra các luận điểm, kết luận có tính khái quát làm cơ sở khoa học để Nhà nước xác định đường lối, chính sách, biện pháp kinh tế. Cuộc sống là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chính sách, biện pháp kinh tế và xa hơn nữa là kiểm nghiệm những kết luận mà kinh tế chính trị đã nhận thức trước đó.

Chức năng phương pháp luận. Kinh tế chính trị là cơ sở lý luận của toàn bộ các khoa học kinh tế ngành (kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng…), các môn kinh tế chức năng (kinh tế lao động, kế hoạch, tài chính, tín dụng…), các môn khoa học có nhiều kiến thức liên quan như địa lý kinh tế, dân số học, lịch sử kinh tế quốc dân, lý thuyết về quản lý.

Chức năng tư tưởng: Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất xã hội, tức nghiên cứu những vấn đề liên quan thân thiết đến lợi ích kinh tế của mọi người, mọi giai cấp. Một quan điểm kinh tế nào đó hoặc công khai, hoặc ẩn giấu nói lên lợi ích của một giai cấp xã hội nhất định. Không có kinh tế chính trị học trung lập hoặc đứng trên các giai cấp.

One Response

Ý kiến