Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước của Việt Nam
Cơ quan hành chính nhà nước là một loại cơ quan trong bộ máy nhà nước, được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Khái niệm cơ quan hành chính nhà nước là gì?
Cơ quan hành chính nhà nước là một loại cơ quan trong bộ máy nhà nước, được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cơ quan hành chính nhà nước hoạt động thường xuyên, liên tục và tương đối ổn định để thực hiện các nhiệm vụ quản lý cụ thể phát sinh hàng ngày trong hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại.
Cơ quan hành chính nhà nước có các đặc điểm sau: Là loại cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương, đa dạng về số lượng cơ quan và cán bộ, công chức; Giữa các cơ quan hành chính nhà nước có mối quan hệ điều hành rất chặt chẽ.
Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quan trọng nhất của Luật Hành chính. Cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính theo quy định của pháp luật; nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như: Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ ban hành Thông tư, UBND ban hành quyết định, những người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính khác nhau có quyền ban hành các văn bản áp dụng pháp luật như: quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định điều động cán bộ, công chức…
Cơ quan hành chính nhà nước gồm cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân như sở, phòng, ban…).
Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta
(i) Chính phủ
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013 và cụ thể, chi tiết hơn trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013 và cụ thể, chi tiết hơn trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.
(ii) Bộ, cơ quan ngang bộ
Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Bộ tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, vì vậy hình thức hoạt động quan trọng nhất của Bộ là sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Bộ trưởng.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Chính phủ Việt Nam hiện nay có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
(iii) Ủy ban nhân dân các cấp
Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
– Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện);
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
Ủy ban nhân dân các cấp có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. UBND các cấp có các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quản lý ngành và lĩnh vực ở địa phương là các sở, phòng, ban.