Hiến pháp đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ nhà nước nào?
Các tư tưởng lập hiến hiện đại đều coi Hiến pháp như một văn bản có sứ mệnh xác lập chế độ mới thay thế chế độ cũ và coi nó như là một bản khế ước xã hội của nhân dân.
Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 được coi là bản Hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử lập hiến hiện đại.
Trước khi có Hiến pháp, Hoa Kỳ đã có các bản kiến ước của một số tiểu bang và đặc biệt là Tuyên ngôn Độc lập ngày 4/7/1776.
Chính vì vậy mà từ đó người ta thường gắn Hiến pháp với lập quốc và coi Hiến pháp là biểu tượng của nền độc lập.
Đó cũng là cách hiểu về Hiến pháp của người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.
Việc ban hành Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 9/11/1946 không lâu sau ngày Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Xét về bản chất, Hiến pháp vừa là văn bản pháp lý của Nhà nước, vừa là bản khế ước mang trong mình nó ý chí chung của xã hội. Vì vậy, khi nói đến Hiến pháp, chúng ta phải nhìn nhận ở cả hai mặt – bản chất pháp lý và bản chất xã hội của nó.