Hồ sơ thành lập doanh nghiệp chế xuất 2023
Doanh nghiệp chế xuất (DNCX) được hiểu là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp chế xuất 2023
Khi nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp chế xuất cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào;
(2) Phải bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Theo Điều 28a. Nghị định 18/2021/NĐ-CP về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa.
b) Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng;
(3) Doanh nghiệp chế xuất muốn được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động.
Để thành lập doanh nghiệp thì cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ xin chấp nhận chủ trương đầu tư, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hồ sơ cấp cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư (Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020) gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
– Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư;
– Bản sao một trong các tài liệu chứng minh khả năng tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
– Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
– Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
– Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp.
Hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách cổ đông hay thành viên công ty;
– Bản sao công chứng giấy tờ cá nhân hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập…;
– Các văn bản chứng minh đủ điều kiện sản xuất hàng hóa, sản phẩm kinh tế.