0Bình luận

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở đâu?

Đến cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một đảng cộng sản thống nhất, châm dứt sự chia rẽ trong phong trào cộng sản ở Việt Nam.

Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một đảng của giai cấp vô sản. Quốc tế Cộng sản chỉ rõ phương thức để tiến tới thành lập đảng là phải bắt đầu từ việc xây dựng các chi bộ trong các nhà máy, xí nghiệp; chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với phong trào cộng sản quốc tế.

Nhận được tin về sự chia rẽ của những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Trung Quốc. Người chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng, họp từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 tại Hương cảng, Trung Quốc.

Thành phần Hội nghị hợp nhât gồm: 1 đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc gồm năm điểm lớn, với nội dung:

“Bỏ mọi thành kiên xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương; Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng; Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước; Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm chín người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc: ở Đông Dương”.

Hội nghị nhất trí với Năm điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lây tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng Vả Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị quyết định phương châm, kế hoạch thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước, quyết định ra báo, tạp chí của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời họp và ra Nghị quyết chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, đến ngày 24-2- 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Tại sao nói Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là Cương lĩnh đúng đắn và sáng tạo?

Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm (Thái Lan) đang tìm đường về nước thì nghe tin Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên phân liệt, những người Cộng sản chia thành nhiều phái, Người lập tức trở lại Hương Cảng (Trung Quốc). Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Người chủ động triệu tập đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam) và chủ trì Hội nghị hợp nhất đảng tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị bắt đầu họp từ ngày 06-01-1930.

Sau nhiều ngày thảo luận, đến ngày 03-02-1930, Hội nghị đi tới nhất trí tán thành việc hợp nhất hai tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Các văn kiện này hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Nội dung cơ bản trong Cương lĩnh đã xác định rõ về đường lối, nhiệm vụ, lực lượng và mối quan hệ của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh sau khi thành lập Đảng. Cụ thể:

– Về đường lối chiến lược là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

– Cương lĩnh xác định ba nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam, bao gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến, song nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Cụ thể: Về chính trị, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công-nông-binh và tổ chức quân đội công nông. Về kinh tế, tịch thu toàn bộ sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho Chính phủ mới; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, miễn thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ. Về văn hóa, dân chính được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hóa.

– Lực lượng cách mạng là tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo; lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông… đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít nhất cũng làm cho họ đứng trung lập, bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ. Giai cấp lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận của giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

Về mối quan hệ quốc tế, Luận cương xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; phải liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới, nhất là với quần chúng vô sản Pháp.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp và thấm nhuần tinh thần dân tộc. Tiến hành cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất để giành chính quyền về tay nhân dân đi tới xã hội cộng sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh này.

Ý kiến