0Bình luận

Hướng dẫn thủ tục khởi kiện chia thừa kế đất đai từ A đến Z

Tranh chấp di sản thừa kế là mâu thuẫn giữa những người thừa kế về việc chia, quản lý di sản của người để lại thừa kế; là việc mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quan hệ thừa kế. Trong đó quan hệ thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người mất cho những người được thừa kế.

Các dạng tranh chấp thừa kế theo pháp luật thông thường xảy ra bao gồm:

– Tranh chấp hàng thừa kế: Tranh chấp giữa những người thừa kế cùng hàng về phần thừa kế nhận, hoặc tranh chấp giữa những người thuộc các hàng thừa kế khác nhau.

– Tranh chấp về di sản thừa kế là tranh chấp liên quan đến số lượng, giá trị của di sản.

– Tranh chấp cách hiểu về nội dung di chúc.

– Tranh chấp về việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản.

– Tranh chấp việc phân chia di sản thừa kế.

Trường hợp xảy ra tranh chấp di sản thừa kế mà những người thừa kế không thể thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo quy định.

Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế rất phức tạp, nhưng cơ bản sẽ được diễn ra theo trình tự sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện chia thừa kế đất đai

Hồ sơ khởi kiện gồm có:

– Đơn khởi kiện (đơn theo mẫu)

– Các giấy tờ liên quan đến mối quan hệ giữa người khởi kiện với người để lại di sản: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu nhằm xác định được diện và hàng thừa kế

– Giấy chứng tử của người để lại di sản

– Bản kê khai di sản

– Các loại giấy tờ, tài liệu để chứng minh sở hữu của người để lại di sản, nguồn gốc của di sản

– Các giấy tờ khác như: biên bản giải quyết trong gia tộc, biên bản giải quyết ở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện chia thừa kế đất đai

Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án bằng một trong các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa;

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính (gửi qua bưu điện);

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí

Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo nếu có), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn một lần không quá 02 tháng.

Bước 5: Xét xử sơ thẩm

Nếu vụ án không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi xét xử có thể xảy ra một số trường hợp như: Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực.

Bước 6: Thi hành án.

Ý kiến