Hương ước là gì?
Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Từ đó, hương ước thể hiện những đặc điểm đặc thù sau đây:
(i) Là quy phạm xã hội, không trái pháp luật và đạo đức xã hội
– Do không phải là quy phạm pháp luật nên hương ước không có các đặc điểm của một quy phạm pháp luật. Ví dụ: không do hệ thống các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước có thẩm quyền ban hành, không được áp dụng rộng rãi, không chứa đựng quy tắc xử sự chung vv.
– Nhằm đảm bảo cho việc thực hiện pháp chế và xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hương ước – quy phạm xã hội bắt buộc không được trái luật cũng như các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của các dân tộc Việt Nam.
– Hương ước không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Đặc biệt, trong hương ước không đặt ra các khoản phí, lệ phí.
(ii) Do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Nếu quy phạm pháp luật được ban hành thì hương ước được công nhận, cho phép áp dụng trên phạm vi một địa bàn địa phương cơ sở. Điều này thể hiện tính gắn bó của hương ước với đời sống cộng đồng dân cư. Nhà nước không “can thiệp” vào đời sống đó mà thực hiện một thủ tục “chọn ra” những hương ước tiến bộ, phù hợp với bản chất nhà nước, thích hợp với địa phương để công nhận, cho phép áp dụng trong phạm vi địa phương đó.
(iii) Được ban hành và áp dụng ở cấp cơ sở
– Có giá trị pháp lý không cao, không có tính hệ thống như các loại quy phạm pháp luật;
– Được áp dụng ở từng địa phương cụ thể, xác định tuy không là quy tắc xử sự cá biệt như văn bản áp dụng;
– Địa bàn áp dụng hẹp trong phạm vi một bản, thôn, ấp. Điều này được giải thích bằng tính địa phương, tính không phổ quát nên không được áp dụng rộng rãi như các quy phạm pháp luật.