Kỹ năng tra cứu văn bản, quy phạm pháp luật
Bạn nghĩ gì về kỹ năng này? Với tôi, tôi đây là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất với một sinh viên ngành luật cũng như đối với các chuyên viên pháp lý, các luật sư như chúng tôi.
Vậy vì sao nó quan trọng ? Bởi nếu không có kỹ năng tra cứu, không biết cách tra cứu, không tìm đúng luật ưu tiên áp dụng thì dù bạn có suy luật đúng vấn đề, hiểu đúng bản chất cũng chẳng có giá trị gì. Nó giống như bạn không có chìa khóa để mở cửa vào chính căn nhà mình.
Từ sự thất bại của bản thân trong quá khứ và những trải nghiệm đã qua tôi nhận thấy để làm tốt và thuần thục kỹ năng trên chúng ta cần trải qua các giai đoạn như sau:
(i) Giai đoạn chuẩn bị (nghiên cứu nội dung đề bài / tình huống)
(ii) Giai đoạn khoanh vùng luật áp dụng
(iii) Giai đoạn phân tích xem xét cơ sở áp dụng văn bản, điều luật.
(iv) Giai đoạn áp dụng và đánh giá lại.
Tôi sơ lược từng bước như sau:
1. Giai đoạn chuẩn bị
Bước 1: Đầu tiên trước khi bắt tay vào tra cứu các bạn cần phải hiểu đề bài, tình huống các bạn đang học liên quan đến lĩnh vực pháp luật nào ? yêu cầu giải quyết vấn đề gì?
Bước 2: Căn cứ vào tình huống đưa ra bạn cần phải dùng tư duy logic để phân tích và phán đoán những luật có khả năng liên quan và điều chỉnh.
Bước 3: Chuẩn bị công cụ tra cứu: sách luật, giáo trình, phương tiện kỹ thuật.
2. Giai đoạn 2: Tra cứu và khoanh vùng nguồn luật điều chỉnh
Bước 1: Sau khi đọc hãy ghi chú lại các văn bản, điều luật liên quan điều chỉnh các vấn đề mà bạn phải giải quyết theo yêu cầu của đề bài (tập hợp dữ liệu, thông tin).
Bước 2: Xác định tính hiệu lực của văn bản.
Bước 3: Xác định tính ưu tiên trong việc áp dụng (nếu có luật chuyên ngành).
3. Giai đoạn 3: Xem xét và phân tích cơ sở áp dụng.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất bởi đôi khi những điều luật bạn tra cứu được không có sự đồng nhất, thậm chí có sự mâu thuẫn với nhau hoặc đơn giản là những điều luật nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau vì vậy lúc này bạn phải phân tích thật kỹ lưỡng để xác định tính phù hợp khi áp dụng. Đặc biệt cần lưu ý đến thứ tự ưu tiên áp dụng cũng như tính hiệu lực của văn bản.
4. Giai đoạn 4: Đánh giá lại những điều luật mà bạn áp dụng
Cẩn trọng là đức tính cần có của sinh viên ngành luật cũng như những người làm trong ngành luật. Nên sau khi làm xong bạn cần cẩn trọng xem xét, kiểm tra lại lần nữa cho chính xác, kiểm tra chính tả, tên các điều luật số hiệu văn bản…
Chúc các bạn thành công.
Luật sư Bùi Xuân Thời