Làm sổ hồng cần những giấy tờ gì?
Sổ hồng chính là tên gọi tắt của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở. Trên quyển sổ này, sẽ thể hiện đầy đủ các thông tin về quyền sử dụng đất như: Số thửa, diện tích, số tờ bản đồ, loại đất, thời hạn sử dụng,…
Ngoài ra, còn có quyền sở hữu nhà ở như: Số tầng kết cấu nhà, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng riêng và chung.
Bước đầu tiên trong thủ tục làm sổ hồng là chuẩn bị và nộp hồ sơ. Đối với việc làm hồ sơ cấp sổ hồng, tùy vào từng trường hợp sẽ có sự khác nhau, cụ thể:
(i) Trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lúc
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị theo Mẫu số 04a/ĐK.
+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
+ Trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
+ Trường hợp đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải nộp một trong những giấy tờ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Lưu ý: Khi thực hiện thủ tục làm sổ hồng để đăng ký quyền sở hữu nhà ở phải có sơ đồ nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở.
(ii) Trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sau (chủ yếu là do xây dựng sau)
Với trường hợp này, để hoàn thành các bước tiếp theo trong thủ tục làm sổ hồng, tổ chức, cá nhân cần đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ đăng ký bổ sung nhà ở gồm các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị theo Mẫu số 04a/ĐK.
+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
+ Sơ đồ về nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ nhà ở phù hợp với hiện trạng.
+ Giấy chứng nhận đã cấp.
+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Sau khi đã hoàn tất bộ hồ sơ trên, tổ chức, cá nhân nộp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện/ quận/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân cũng có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nếu có nhu cầu.