Mẫu đơn xin ly hôn 2023: 07 điều quan trọng cần biết
Đơn xin ly hôn là tài liệu bắt buộc và quan trọng nhất trong hồ sơ xin ly hôn, nhưng không phải ai cũng có thể soạn thảo đơn xin ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Dưới đây là giải đáp các vấn đề quan trọng nhất về đơn xin ly hôn mà mọi người cân biết để thực hiện cho đúng:
Đơn ly hôn mua ở đâu?
Pháp luật hiện hành không bắt buộc người dân phải mua đơn có sẵn tại Tòa án.
Về nguyên tắc mẫu Đơn xin ly hôn có thể được viết tay, đánh máy hoặc mua tại Tòa án (bản có dấu). Đơn chỉ cần có đầy đủ các nội dung thông tin cần thiết theo mẫu là Tòa án phải chấp nhận.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Tòa án vẫn yêu cầu người dân phải mua mẫu đơn ly hôn có dấu treo tại Tòa.
Nộp đơn xin ly hôn ở đâu?
Trường hợp ly hôn đơn phương, người có yêu cầu xin ly hôn đơn phương phải gửi đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, tức là nếu vợ đơn phương ly hôn chồng, thì phải nộp đơn đến Tòa án nơi chồng đang tạm trú, thường trú, làm việc.
Đối với thuận tình ly hôn, nộp đơn tại nơi cư trú của hai vợ chồng. Nếu nơi cư trú khác nhau, hai vợ chồng có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Nộp đơn ly hôn cùng giấy tờ gì?
Nộp kèm đơn ly hôn gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính). Nếu không có giấy chứng nhận kết hôn thì có thể nộp bản sao chứng thực đăng ký kết hôn; Bản sao từ sổ gốc (trích lục) đăng ký kết hôn; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được đăng ký lại…
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực). Trường hợp không có, vợ/chồng thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.
– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực) như Sổ đỏ; hợp đồng mua bán, tặng cho, thừa kế chung…
Đơn xin ly hôn có bắt buộc 2 vợ chồng cùng ký?
Khi ly hôn có 02 cách: Thuận tình và đơn phương. Trong đó, thuận tình là việc cả hai vợ chồng cùng đồng ý và thỏa thuận được việc ly hôn. Ngược lại, đơn phương ly hôn là khi một bên có yêu cầu ly hôn.
Do đó, trong đơn ly hôn thuận tình, bắt buộc phải có chữ ký của cả hai vợ chồng còn đơn ly hôn đơn phương thì không bắt buộc.
Đơn ly hôn viết tay có được chấp nhận không?
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao ban hành đơn ly hôn kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, tại văn bản này cũng như các văn bản liên quan cũng không yêu cầu vợ, chồng bắt buộc phải sử dụng hai mẫu này để gửi Tòa án ly hôn.
Người muốn ly hôn có thể gửi đơn theo mẫu hoặc viết tay với đầy đủ nội dung về: Tên Tòa án nhận đơn, họ tên người yêu cầu ly hôn, những nội dung yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản (nếu có)…
Nộp đơn ly hôn có mất tiền không?
Hiện nay, đối với trường hợp không có tranh chấp về tài sản, án phí ly hôn là 300.000 đồng. Trong đó, nếu đơn phương ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.
Nếu ly hôn thuận tình, mỗi bên chịu một nửa án phí hoặc 02 bên tự thỏa thuận. Đối với trường hợp ly hôn có tranh chấp về tài sản, 02 bên phải chịu án phí theo giá trị tài sản.
Có được bổ sung yêu cầu chia tài sản sau khi đã nộp đơn ly hôn không?
Đây có lẽ là vấn đề mà rất nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn thắc mắc. Theo đó, bên cạnh việc yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng, tại đơn xin ly hôn, vợ, chồng có thể yêu cầu chia tài sản, cấp dưỡng, nuôi con, chăm sóc con, phân định nợ chung…
Đặc biệt, sau khi đã nộp đơn ly hôn, hai vợ chồng hoàn toàn có quyền bổ sung yêu cầu chia tài sản. Tuy nhiên, lưu ý thời điểm bổ sung phải trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Căn cứ Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC).