0Bình luận

Năng lực hành vi xuất hiện đồng thời với năng lực pháp luật đúng hay sai?

Nhận định “Trong mọi trường hợp năng lực hành vi xuất hiện đồng thời với năng lực pháp luật” là sai. Vì đối với cá nhân, năng lực pháp luật có từ khi cá nhân sinh ra, chấm dứt khi chết đi; năng lực hành vi xuất hiện muộn hơn, có từ khi công dân đạt đến độ tuổi pháp luật quy định, có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Đối với tổ chức, năng lực hành vi và năng lực pháp luật của pháp nhân mới phát sinh cùng 1 thời điểm pháp nhân được thành lập hợp pháp.

Năng lực pháp luật là gì?

Năng lực pháp luật là khả năng có quyền, nghĩa vụ pháp lí do nhà nước quy định cho các cá nhân, tổ chức nhất định.

Năng lực pháp luật là khả năng mà pháp luật quy định đối với các cá nhân có thể được tham gia quan hệ pháp luật nào. Khả năng này thể hiện ở quy định về các điều kiện khác nhau đối với từng quan hệ pháp luật. Năng lực pháp luật có thể coi là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể. Với năng lực pháp luật, các chủ thể chỉ tham gia thụ động vào các quan hệ pháp luật. Tính thụ động được thể hiện là chủ thể không tự tạo ra cũng như không thể tự mình thực hiên được các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Chẳng hạn, đứa trẻ được thừa kế tài sản khi bố, mẹ chết. Xét trong mối quan hệ thừa kế này, đứa trẻ chỉ có năng lực pháp luật, nó không thể tự mình thực hiện được các hành vi nhất định. Do vậy, các quyền, lợi ích hợp pháp của đứa trẻ được thực hiên thông qua người đại diện hợp pháp của nó.

Năng lực pháp luật là thuộc tính không thể tách rời của chủ thể vì khi nói tới chủ thể của quan hệ pháp luật thì trước tiên phải nói tới năng lực pháp luật. Tuy nhiên, đây không phải tính tự nhiê mà do nhà nước quy định cho chủ thể. Trên thực tế, các nhà nước khác nhau có thể có quy định khác nhau về năng lực pháp luật của chủ thể quan hệ pháp luật.

Năng lực pháp luật có các đặc điểm cơ bản sau đây:

– Thứ nhất: Năng lực pháp luật là thuộc tính không thể tách rời của mỗi chủ thể.

Đối với cá nhân, năng lực pháp luật xuất hiện ngay khi cá nhân đó sinh ra và chấm dứt khi cá nhân đó chết đi.Ví dụ: mỗi cá nhân sinh ra đều có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền đối với hình ảnh cá nhân,… ngược lại mọi cá nhân có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền đối với hình ảnh của người khác,…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, năng lực pháp luật của cá nhân xuất hiện từ khi người đó còn trong bào thai (như quyền thừa kế, quyền này được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ nếu người đó được sinh ra và con sống); có những quyền nhân thân mà đến một độ tuổi nhất định mới có (như: quyền của vợ, chồng, giám hộ,…). Cũng có những quyền mà sau khi cá nhân chết đi mới có (như: quyền được khai tử) hoặc khi chết đi mà quyền đó vẫn còn(như: quyền giữ bí mật đời tư, quyền hình ảnh,…).

Đối với tổ chức, năng lực pháp luật xuất hiện khi tổ chức đó được thành lập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định hoặc được Nhà nước thừa nhận. Năng lực pháp luật của tổ chức chấm dứt khi tổ chức đó giải thể, phá sản hoặc sáp nhập vào một tổ chức khác. Chẳng hạn như: quyền thừa kế, quyền đối với tên, quyền tài sản,…

– Thứ hai: Năng lực pháp luật không phải là thuộc tính tự nhiên mà được Nhà nước điều chỉnh trên cơ sở các quy định pháp luật.

Chỉ những quyền và nghĩa vụ được Nhà nước công nhận hay điều chỉnh bằng các chế định pháp luật thì mới làm hình thành năng lực pháp luật của cá nhân, tổ chức. Chẳng hạn, cá nhân trong quan hệ họ hàng có quyền và nghĩa vụ nhất định với nhau nhưng các quyền và nghĩa vụ đó không được Nhà nước điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật nên các quyền và nghĩa vụ đó không phải là năng lực pháp luật của cá nhân.

– Thứ ba: Năng lực pháp luật của không thể chuyển giao, không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Năng lực pháp luật chỉ là chủ thể tham gia quan hệ pháp luật có các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà chưa liên quan đến trách nhiệm khi chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó nên năng lực pháp luật của mọi cá nhân, tổ chức là như nhau cả về mức độ, độ tuổi, trình độ văn hóa, khả năng nhận thức,… Chẳng hạn, người bị thiểu năng về trí tuệ cũng có quyền thừa kế như người có khả năng nhận thức bình thường, dù là trẻ em hay người lớn đều có nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật.

Ý kiến