Nguồn gốc, bản chất, đặc trưng và chức năng cơ bản của nhà nước
1. Nguồn gốc của nhà nước
Nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nó chỉ ra đời và tồn tại trong một giai đọan nhất định của sự phát triển xã hội. Nhà nước sẽ tự tiêu vong khi những cơ sở tồn tại của nó không còn nữa.
Nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự ra đời của nhà nước là nguyên nhân kinh tế, bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự ra đời và tồn tại của nhà nước chính là sự xuất hiện chế độ tư hữu và mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được.
Lịch sử cho thấy rằng, xã hội cộng sản nguyên thủy dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, mọi người sống bình đẳng, chưa có giai cấp và chưa có nhà nước. Tổ chức đầu tiên của xã hội loài người, phù hợp với tình trạng kinh tế còn thấp kém lúc bấy giờ là chế độ thị tộc, bộ lạc. Đứng đầu các thị tộc, bộ lạc là những tộc trưởng, hội đồng các tộc trưởng; những người và những cơ quan này do nhân dân bầu ra, họ chịu trách nhiệm trước nhân dân, coi sóc các công việc chung và có thể bị bãi miễn nếu không còn sự tín nhiệm trong nhân dân. Những tộc trưởng và hội đồng các tộc trưởng điều chỉnh các quan hệ xã hội duy trì các quy tắc đời sống xã hội và điều khiển các công việc của công xã dựa vào sức mạnh của dư luận xã hội và uy tín của họ đối với xã hội. Trong tay họ không có và không cần có một công cụ cưỡng bức đặc biệt nào. Quyền hành và chức năng của cơ quan đứng đầu thị tộc và bộ lạc không mang tính chất chính trị, mang tính tự quản.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất vào thời kỳ cuối của xã hội nguyên thủy đã dẫn tới chế độ tư hữu xuất hiện, và xã hội bắt đầu phân chia thành những giai cấp đối kháng: giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ; quan hệ người áp bức người thay thế quan hệ bình đẳng, hợp tác tương trợ. Sự đối kháng giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột ngày càng sâu sắc và không thể điều hòa được. Để bảo vệ địa vị thống trị của mình, để duy trì ách áp bức bóc lột đối với những người nô lệ, giai cấp chủ nô đã lập ra bộ máy bạo lực, trấn áp buộc giai cấp nô lệ phải phục tùng tuân theo những trật tự do mình đặt ra, bộ máy đó là nhà nước.
Nhà nước đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là nhà nước chiếm hữu nô lệ. Tiếp đó là nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản. Sự ra đời của nhà nước chứng tỏ rằng nhà nước không phải là cơ quan để điều hòa mâu thuẫn giai cấp; mà ngựơc lại, nhà nước ra đời chính là do mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc không thể điều hòa được. Ở đâu, lúc nào mà mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện.
Nhà nước xuất hiện và tồn tại không phải do ý muốn chủ quan của một ai hay của một giai cấp nào. Trái lại, sự xuất hiện nhà nước là một tất yếu khách quan để “khống chế những đối kháng giai cấp”, để làm “dịu” sự xung đột giai cấp, làm cho sự xung đột giai cấp diễn ra trong vòng “trật tự ”; trật tự ấy hoàn toàn cần thiết để duy trì chế độ kinh tế, trong đó giai cấp này bóc lột giai cấp khác. Nhà nước – “đó là sự kiến lập một “trật tự”, trật tự này hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức kia bằng cách làm dịu xung đột giai cấp ” . Nhà nước chỉ ra đời, tồn tại trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội và sẽ mất đi khi những cơ sở tồn tại của nó không còn nữa.
2. Bản chất của nhà nước
Nhà nước là nền chuyên chính của giai cấp này đối với giai cấp khác và đối với toàn xã hội. Đó là nền chuyên chính của giai cấp nắm quyền thống trị về kinh tế trong xã hội. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của giai cấp này để trấn áp một giai cấp khác” . Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị. Đó là bản chất của nhà nước theo nguyên nghĩa, tức nhà nước của giai cấp bóc lột. Không có nhà nước, một tổ chức bạo lực chuyên dùng để trấn áp, thì giai cấp thống trị không thể duy trì ách áp bức bóc lột của nó đối với giai cấp bị thống trị.
Với tính cách là nền chuyên chính của một giai cấp đối với giai cấp khác, nhà nước của giai cấp bóc lột không thể là kẻ công bằng để bảo vệ lợi ích chung cho các giai cấp trong xã hội.
Mỗi kiểu nhà nước có bản chất riêng nhưng đều mang một số đặc điểm chung. Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng có những nét chung đó nhưng với bản chất là chuyên chính vô sản, nó không còn là nhà nước theo đúng nghĩa mà chỉ là “nửa nhà nước”. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tồn tại trên cơ sở nguyên tắc công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu và lao động tự nguyện. Đó là sản phẩm của nhân dân lao động nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử là xây dựng một xã hội không còn áp bức bóc lột, không còn giai cấp.
Bản chất của nhà nước được thể hiện trong các đặc trưng và chức năng của nó.
3. Những đặc trưng cơ bản của nhà nước
Nhà nước là một bộ phận quan trọng trong kiến trúc thượng tầng của xã hội, nó có ba đặc trưng cơ bản sau:
Một là, nhà nước quản lý dân cư trên một vùng lãnh thổ nhất định. Đặc trưng này phân biệt sự khác nhau của các tổ chức nhà nước với tổ chức thị tộc, bộ lạc trước kia. Các tổ chức thị tộc, bộ lạc được hình thành trên cơ sở những quan hệ huyết thống, còn tổ chức nhà nước gắn liền với việc phân chia dân cư theo phạm vi lãnh thổ mà họ cư trú. Nói cách khác, quyền lực nhà nước có hiệu lực với tất cả các thành viên ở trong một biên giới quốc gia, bất kể họ thuộc quan hệ huyết thống nào.
Hai là, bộ máy quyền lực chuyên nghiệp của nhà nước mang tính cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội. Đó là những đội vũ trang đặc biệt (quân đội, cảnh sát…), những công cụ (tòa án, trại giam…) và một bộ máy đông đảo các viên chức được trả lương để chuyên làm công việc hành chính cai trị.
Ba là, tồn tại một hệ thống thuế khóa để nuôi bộ máy nhà nước hoạt động. Nhà nước không thể tồn tại, nếu không dựa vào hệ thống thuế khóa. Nói cách khác, về cơ bản mọi nhà nước đều tồn tại được nhờ vào sự chu cấp của nhân dân bằng con đường cưỡng bức hay tự nguyện hoặc phối hợp cả hai.
Ngoài ba đặc trưng cơ bản kể trên, hiện nay, có quan điểm cho rằng, nhà nước mang đặc trưng chủ quyền quốc gia và khả năng cai trị xã hội bằng pháp luật.
Chủ quyền quốc gia thể hiện đặc trưng về quyền lợi tuyệt đối của nhà nước trong một lãnh thổ. Nhà nước là người đại diện cho sự toàn vẹn bên trong lãnh thổ và sự độc lập đối với bên ngoài. Chủ quyền quốc gia còn thể hiện ở việc nhà nước thay mặt toàn dân tham gia các quan hệ đối ngoại, tham gia các công ước quốc tế, v.v..
Nhà nước cai trị xã hội bằng pháp luật. Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền làm ra luật, tổ chức thực hiện luật, giám sát và xét xử đối với những vi phạm pháp luật. Đây là đặc quyền của Nhà nước mà các tổ chức xã hội khác không có. Pháp luật do nhà nước đặt ra, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, nhằm điều chỉnh mọi quan hệ xã hội theo định hướng và mục tiêu xác định. Tính cưỡng chế của pháp luật thể hiện sức mạnh cưỡng chế của nhà nước đối với toàn bộ xã hội.
4. Những chức năng cơ bản của nhà nước
Bản chất giai cấp của nhà nước còn được thể hiện ở các chức năng của nó. Chức năng của nhà nước được hiểu là những phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước. Tùy theo góc độ khác nhau mà chức năng của nhà nước được phân chia khác nhau. Dưới góc độ tính chất của quyền lực chính trị, nhà nước có chức năng thống trị chính trị của giai cấp và chức năng xã hội. Dưới góc độ phạm vi tác động của quyền lực, nhà nước có chức năng đối nội và chức năng đối ngoại.
a) Chức năng thống trị chính trị và chức năng xã hội
Chức năng thống trị chính trị của giai cấp nói lên rằng bất cứ nhà nước nào cũng là công cụ chuyên chính của một giai cấp, nó sẵn sàng sử dụng mọi công cụ, mọi biện pháp có thể có để bảo vệ sự thống trị của giai cấp đó.
Chức năng xã hội của nhà nước nói lên rằng bất kỳ nhà nước nào cũng phải thực hiện việc quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội, phải lo một số công việc chung của tòan xã hội; trong giới hạn có thể được, phải thỏa mãn một số nhu cầu chung của cộng đồng dân cư nằm dưới sự quản lý của nhà nước.
Trong hai chức năng đó thì chức năng thống trị chính trị là cơ bản nhất, chức năng xã hội phải phụ thuộc và phục vụ cho chức năng thống trị chính trị.
Trong các xã hội có giai cấp đối kháng trước đây, để giữ nhà nước trong tay giai cấp mình, giai cấp thống trị nào cũng buộc phải nhân danh xã hội mà quản lý những công việc chung. Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề chung của xã hội sẽ tạo ra điều kiện để duy trì xã hội trong vòng trật tự theo quan điểm và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Nói cách khác, việc thực hiện chức năng xã hội theo quan điểm và giới hạn của giai cấp cầm quyền là phương thức, điều kiện để nhà nước đó thực hiện được vai trò giai cấp thống trị của mình. Điều đó đã được Ph.Ăngghen giải thích rõ rằng: nhà nước là đại biểu chính thức của toàn xã hội chỉ trong chừng mực nó là nhà nước của bản thân giai cấp đại diện cho toàn xã hội trong thời đại tương ứng.
Khi đề cập mối quan hệ giữa chức năng thống trị chính trị của giai cấp và chức năng xã hội mà nhà nước đó phải thực hiện, Ph.Ăngghen viết: “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó” . Khi xã hội không còn giai cấp thì những nội dung thuộc chức năng xã hội sẽ do xã hội tự đảm nhiệm; và khi đó, chế độ tự quản của nhân dân được xác lập.
b) Chức năng đối nội và chức năng đối ngoại
Chức năng đối nội có hai mặt: Một là, duy trì trật tự kinh tế, xã hội, chính trị và các trật tự xã hội khác theo luật pháp của giai cấp thống trị; đồng thời sử dụng các phương tiện khác như bộ máy thông tin, tuyên truyền văn hóa, giáo dục… để xác lập và củng cố hệ tư tưởng của giai cấp thống trị biến nó thành tư tưởng thống trị trong xã hội. Hai là, quản lý và giải quyết các nhu cầu của xã hội (cũng còn gọi là chức năng quản lý công cộng). Hai mặt của chức năng đối nội có quan hệ biện chứng, trong đó mặt thống trị giai cấp là mục đích, còn mặt xã hội là cơ sở, là điều kiện để thực hiện chức năng giai cấp.
Chức năng đối ngoại thể hiện quan hệ của nhà nước với các quốc gia khác trên trường quốc tế. Trong chức năng này, tùy bản chất của từng nhà nước mà có thể là việc tổ chức tòan dân chống lại ngoại xâm, phòng thủ đất nước. Cũng có thể là việc mở rộng lãnh thổ bằng cách phát động chiến tranh xâm lược, tìm kiếm thị trường, thuộc địa v.v.. Ngày nay, trong xu thế hòa bình, hợp tác, chức năng đối ngoại thể hiện ở việc tổ chức, thực hiện các quan hệ hợp tác về từng mặt hay nhiều mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa…), song phương hay đa phương.
Chức năng đối nội cũng như chức năng đối ngoại của nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị. Nếu quyền lợi của mình bị trực tiếp đe doạ bởi phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, thì giai cấp bóc lột sẵn sàng thoả hiệp, thậm chí đầu hàng bọn xâm lược bên ngoài để đối phó với cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước. Chúng là một thể thống nhất, trong đó, chức năng đối nội là chủ yếu và có ý nghĩa quyết định; chức năng đối ngoại là kế tục chức năng đối nội, phục vụ cho đối nội. Do đó, đường lối đối nội của một nhà nước quyết định đường lối đối ngoại của nhà nước đó.