0Bình luận

Nguồn gốc và kết cấu của giai cấp

1. Nguồn gốc giai cấp

+ Xã hội cộng sản nguyên thuỷ từng tồn tại hàng triệu năm, nhưng chưa hề có giai cấp. Có hai nguyên nhân kinh tế để giải thích khái quát sự thật này: Một là, trình độ lực lượng sản xuất nguyên thủy quá thô sơ, thấp kém; con người còn quá lệ thuộc vào thiên nhiên (các vùng cư trú); của cải làm ra chưa đảm bảo nuôi sống được mọi người. Hai là, do đó, các cộng đồng nguyên thủy (thị tộc, bộ lạc) buộc phải cố kết chặt chẽ để cưu mang nhau cùng tồn tại ở mức sống tối thiểu trong quan hệ sản xuất nguyên thủy – của chung, làm chung, hưởng chung, phân phối bình quân, tức là chưa có giai cấp. 

Rõ ràng một phương thức sản xuất thấp kém như vậy không thể gắn liền với phân chia giai cấp. Thậm chí trong thế giới văn minh ngày nay, vẫn còn sót lại đâu đó trên các châu lục (Á, Phi, Mỹ Latinh, Úc) những cộng đồng thổ dân (bộ lạc) chưa từng biết tới phân chia giai cấp. Vì thế, luận điểm cho rằng lịch sử loài người ngay từ đầu gắn liền với phân chia giai cấp là hoàn toàn vô căn cứ, phản khoa học, mưu toan biện hộ cho đặc quyền, đặc lợi của các giai cấp thiểu số bóc lột, áp bức, thống trị và nô dịch đa số.

+ Sự xuất hiện công cụ kim loại vào cuối thời nguyên thủy (cách đây 7 – 8 ngàn năm) thay thế dần công cụ bằng đá đã làm tăng vượt bậc năng suất lao động, lần đầu tiên tạo ra sản phẩm dư thừa tương đối cho xã hội. Đây là tiền đề vật chất – khách quan cho một thiểu số tước đoạt lao động của đa số, dẫn tới sự phân hóa xã hội thành giai cấp bóc lột và bị bóc lột đầu tiên trong lịch sử. Gắn liền và tác động cùng chiều với quá trình phức tạp này là ba cuộc phân công lao động lớn: Một là, chăn nuôi tách khỏi trồng trọt; Hai là, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp; Ba là, thương nghiệp tách khỏi sản xuất.

+ Trong điều kiện ấy, sở hữu gia đình từng bước hình thành, và tỏ ra ưu việt hơn sở hữu công cộng nguyên thủy, và thay thế dần sở hữu lạc hậu này. Sự phân hóa giàu – nghèo trên nền tảng tư hữu như vậy là điều không tránh khỏi.

+ Trong điều kiện mới ấy của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, các tù binh bắt được trong chiến tranh không còn bị giết như trước nữa, mà được đem về làm nô lệ cho bên thắng trận. Cần hiểu rằng, đây là nhân tố hay con đường thứ hai có tác dụng bổ sung và đẩy nhanh quá trình phân hoá giai cấp vốn đã diễn ra tất yếu từ sự vận động, chuyển hóa và phát triển nội tại của phương thức sản xuất nguyên thủy vào thời kỳ tan rã của nó – với tư cách là con đường thứ nhất, chủ yếu dẫn tới phân hóa giai cấp. Nếu nhấn mạnh hoặc chỉ thừa nhận nguồn gốc phân hóa giai cấp từ nguyên nhân chiến tranh – bạo lực là xuyên tạc lịch sử, vô tình hay cố ý bênh vực cho kẻ mạnh mãi mãi bóc lột và áp bức kẻ yếu. Từ đó có thể khẳng định: sự xuất hiện chế độ tư hữu là nguyên nhân quyết định trực tiếp sự ra đời giai cấp.

+ Trong bối cảnh phân hóa giai cấp như vừa trình bày, đặc biệt những người đứng đầu các bộ lạc nguyên thủy đã lợi dụng địa vị thủ lĩnh của mình để chiếm đoạt nhiều nhất các sản phẩm dư thừa của cộng đồng – kể cả tù binh bắt được và trở thành chủ nô. Các chủ nô này cùng với quá trình phân hóa giàu – nghèo trên nền tảng chế độ tư hữu đã dần dần hình thành nên giai cấp bóc lột đầu tiên trong lịch sử là giai cấp chủ nô, đa phần người lao động rơi xuống tình trạng giai cấp nô lệ.

Tóm lại, nguồn gốc giai cấp, xét đến cùng, là nguồn gốc kinh tế mang tính vật chất – khách quan, bắt nguồn từ một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và tiếp đó gắn liền trực tiếp với chế độ tư hữu.

2. Kết cấu giai cấp 

Trong xã hội có giai cấp, mỗi hình thái kinh tế – xã hội có một kết cấu giai cấp nhất định. Cơ sở kinh tế của kết cấu  giai cấp là tổng thể các kiểu phương thức sản xuất cùng tồn tại trong hình thái kinh tế xã hội đương thời. Xét đến cùng, bản chất và tương quan của các giai cấp trong một kết cấu giai cấp bị quy định bởi bản chất và tương quan của các phương thức sản xuất đương thời.

Ở trình độ phát triển chín muồi của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định, kết cấu giai cấp thường bao gồm các giai cấp cơ bản và các giai cấp không cơ bản.

Các giai cấp cơ bản gắn liền với kiểu phương thức sản xuất thống trị. Sự đối kháng và đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng này phản ánh mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất sinh ra chúng, cũng như quy định một cách khách quan mâu thuẫn cơ bản của chế độ xã hội. Tương ứng với các kiểu phương thức sản xuất bóc lột từng thống trị trong lịch sử là các cặp giai cấp cơ bản như chủ nô – nô lệ, phong kiến – nông nô, tư sản – vô sản.

Các giai cấp không cơ bản gắn liền với hoặc là các phương thức sản xuất tàn dư hoặc là phương thức sản xuất mới như là mầm mống của xã hội tương lai. Ví dụ, nô lệ và chủ nô còn lại trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến, vô sản và tư sản vừa mới ra đời trong thời kỳ đó. 

Ngoài ra, còn có tầng lớp trung gian (trước hết về kinh tế) không bóc lột ai và không bị ai bóc lột trong các chế độ bóc lột. Ví dụ, bình dân trong xã hội nô lệ, tiểu tư sản trong xã hội tư bản,… Trong xã hội có giai cấp, còn có tầng lớp trí thức làm việc và sống chủ yếu bằng lao động trí óc. Trí thức tồn tại và gắn liền với lợi ích nhiều giai cấp từ thống trị đến  bị trị. Đại trí thức thường gắn liền với giai cấp thống trị đương thời; đa phần còn lại thường gắn liền với lợi ích của quảng đại quần chúng lao  động. Vai trò của trí thức tăng lên không ngừng cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật – đặc biệt là trước bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức ngày nay. Song từ đó đi tới quan niệm về cái gọi là “giai cấp trí thức”, hơn nữa về “quyền thống trị xã hội của  giai cấp trí thức”, là hoàn toàn sai lầm.

Các biến đổi, chuyển hóa và phát triển sâu xa từ lĩnh vực lực lượng sản xuất sớm muộn sẽ kéo theo những biến đổi, chuyển hóa và phát triển của các quan hệ sản xuất cũng như của kết cấu giai cấp. Đặc biệt ở những giai đoạn có tính bước ngoặt về kinh tế và chính trị ở cả thời kỳ quá độ từ hình thái kinh tế – xã hội này sang hình thái kinh tế – xã hội khác, kết cấu giai cấp không tránh khỏi có những biến đổi rất nhanh, rất phức tạp, có thể làm đảo lộn quan hệ giữa các giai cấp thống trị và bị trị.

Phân tích kết cấu và tìm hiểu những biến động của giai cấp là điều tuyệt đối cần thiết để thấu hiểu vị trí, vai trò và thái độ chính trị của các giai cấp đối với vận động lịch sử, giúp chúng ta nhận thức và hành động đúng trong đấu tranh giai cấp đang diễn ra phức tạp trong nước và trên thế giới.

Ý kiến