Nhà nước có trước hay Pháp luật có trước?
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, pháp luật ra đời cùng với sự ra đời của nhà nước. Những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhà nước cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật.
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có nhà nước nên cũng chưa có pháp luật. Để hướng dẫn cách xử sự cho con người, xã hội nguyên thủy sử dụng phong tục tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo… Các quy tắc ứng xử này hình thành một cách tự phát trong cộng đồng trên cơ sở điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội cụ thể lúc bấy giờ.
Khi điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, trong xã hội xuất hiện các quan hệ xã hội mới, tương đối đa dạng, phức tạp mà các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán… không điều chỉnh hết hoặc điều chỉnh không có hiệu quả hoặc không thể điều chỉnh được.
Trong điều kiện đó, nhà nước xuất hiện, để tổ chức, quản lí đời sống xã hội phức tạp đó, nhà nước từng bước làm xuất hiện một loại quy tắc ứng xử mới, đó chính là pháp luật.
Thông qua nhà nước, pháp luật hình thành bằng các con đường:
– Một là, nhà nước thừa nhận các quy tắc xử sự có sẵn trong xã hội nhưng phù họp với ý chí của nhà nước, nâng chúng lên thành pháp luật;
– Hai là, nhà nước thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trong thực tế, sử dụng làm khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác có tính tương tự; ba là, nhà nước đặt ra các quy tắc xử sự mới.
Pháp luật xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội.
Nhà nước không sinh ra pháp luật, trong sự hình thành pháp luật, nhà nước chỉ có vai trò như người nền tảng, nhà nước chỉ làm cho pháp luật “hiện diện” trong đời sống với những hình thức xác định.