0Bình luận

Nhà nước là gì?

Nhà nước là một tổ chức chính trị có quyền lực công cộng đặc biệt, được hình thành và bị quyết định bởi nhu cầu trấn áp giai cấp và nhu cầu quản lý các công việc chung của xã hội.

Bản chất của nhà nước

Nhà nước ra đời và tồn tại trong một xã hội có sự phân chia giai cấp và mâu thuẫn giai cấp. Lịch sử đã chứng minh cứ mỗi một kiểu nhà nước (chủ nô, phong kiến, tư sản, xã hội chủ nghĩa) sẽ là một bộ máy quyền lực do giai cấp thống trị kiểu nhà nước đó  lập  ra.

Tuy nhiên,  trong  mỗi kiểu  nhà  nước  khác nhau thì bản  chất của sự thống trị là khác nhau. Điều này thể hiện rõ trong tính giai cấp của nhà nước.

Nhà nước mang tính giai cấp

Nhà nước ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp nên nó mang tính giai cấp sâu sắc. Tính giai cấp thể hiện ở chỗ nhà nước là của giai cấp thống trị, nó bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị, là công cụ để duy trì và thống trị giai cấp.

Trong các kiểu nhà nước bóc lột (chủ nộ, phong kiến, tư sản) đều mang bản chất bóc lột, chỉ khác ở phương thức bóc lột. Mục đích của sự bóc lột là nó đem lại của cải, vật chất và quyền lực cho một số người chiếm thiểu số trong xã hội.

Vì vậy, trong những kiểu nhà nước này, giai cấp thống trị sử dụng mọi biện pháp để thống trị từ bóc lột về kinh tế, trấn áp bằng bạo lực, thống trị về  chính  trị và cả về tư tưởng…còn ở nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước này là của đại đa số nhân dân lao động, nó bảo vệ lợi ích cho nhân dân và những người dân lao động là những người làm chủ đất nước.

Nhà nước mang tính xã hội

Tính xã hội của nhà nước thể hiện vai trò quản lý nhà nước, quản lý xã hội của nhà nước. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện cụ thể và thực hiện vai trò đó không giống nhau giữa các nhà nước khác nhau.

Vai trò và phạm vi hoạt động của nhà nước phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển cũng như đặc điểm của mỗi nhà nước. Trong nhà nước, giai cấp thống trị chỉ tồn tại trong mối quan hệ với các tầng lớp giai cấp khác, do vậy ngoài tư cách là công cụ duy trì sự thống trị, nhà nước còn là công cụ quan trọng nhất để quản lý xã hội. Biểu hiện của tính xã hội thể hiện thông qua việc thực hiện chức năng của nhà nước nhằm đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ của nhà nước.

Như vậy, nhà nước là bộ máy để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp  khác,  đồng thời còn duy trì  trật  tự  xã hội phù  hợp với lợi  ích của giai  cấp thống trị. Tuỳ vào mỗi kiểu nhà nước, mỗi giai đoạn lịch sử, những biểu hiện của tính giai cấp, tính xã hội lại khác nhau.

Các đặc trưng cơ bản của Nhà nước

So với các tổ chức khác trong xã hội thì Nhà nước có những đặc trưng cơ bản sau đây:

(i) Nhà nước thiết lập một quyền lực công cộng đặc biệt không còn hoà nhập với dân cư

Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã có quyền lực công cộng nhưng đó là thứ quyền năng do dân cư tự tổ chức ra và nắm giữ, không mang tính chính trị và giai cấp.

Khi nhà nước xuất hiện, nhà nước thiết lập một thứ quyền lực đặc biệt, quyền lực này nằm trong tay một nhóm người giữ địa vị thống trị và nó phục vụ cho lợi ích của nhóm người này. Để thực hiện quyền đó, nhà nước có một lớp người đặc biệt chuyên tham gia làm nhiệm vụ quản lý.

Họ tham gia vào các cơ quan nhà nước và hình thành nên một bộ máy cưỡng chế đặc biệt để duy trì và bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị, bắt các giai cấp khác phải phục vụ theo ý chí của giai cấp thống trị. Bên cạnh đó, nhà nước còn có cả một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc cai trị như nhà tù, vũ khí…

(ii) Nhà nước có chủ quyền quốc gia

Chủ quyền quốc gia là quyền tối cao của nhà nước trong lĩnh vực đối nội và độc lập về đối ngoại. Chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực đối nội là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình, quyền làm luật, quyền giám sát việc thi hành pháp luật, quyền xét xử những hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia.

Mọi tổ chức, cá nhân sống trong lãnh thổ của nước sở tại đều phải tuân thủ luật pháp của nhà nước. Trong lĩnh vực đối ngoại đó là quyền độc lập trong hệ thống quốc tế, tự do quan hệ không lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào, hai mối quan hệ này có quan hệ mật thiết với nhau.

Nhà nước là đại diện chính thức, đại diện về mặt pháp lý cho toàn xã hội về mặt đối nội và đối ngoại.

(iii) Nhà nước phân chia và quản lý dân cư theo lãnh thổ

Ở chế độ  cộng  sản nguyên thuỷ, thị tộc được hình thành và duy trì trên cơ sở huyết thống.

Nhưng sự hình thành giai cấp và phân chia giai cấp đã làm cho các quan hệ huyết thống trở nên suy yếu, sự  di dân không  ngừng đã hình  thành  những  công đồng  dân cư với  các huyết thống khác.

Khi nhà nước ra đời đã phan chia dân cư theo lãnh thổ để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo nơi cư trú không kể họ thuộc thị tộc, bộ lạc nào. Việc phân chia này đảm bảo cho sự quản lý của nhà nước được tập trung thống nhất.

Người dân có mối quan hệ với nhà nước bằng chế định quốc tịnh. Chế độ này xác lập các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và ngược lại.

(iv) Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và thực hiện sự quản lý nhà nước bằng pháp luật

Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật. Nhà nước cũng là chủ thể duy nhất có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thuyết phục, giáo dục để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện trong cuộc sống.

(v) Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền đặt ra và thu các loại thuế

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhà nước cần có tiềm lực tài chính. Do vậy, nhà nước phải đặt ra các loại thuế và tổ chức thu thuế. Phần lớn ngân sách quốc gia được tạo ra từ nguồn thu thuế.

Ý kiến