Phân biệt chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa
1. Chính thể quân chủ
Chính thể quân chủ là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) vào trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế.
Với việc tập trung quyền lực tối cao của nhà nước một phần hay toàn bộ vào trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc truyền ngôi mà chính thể quân chủ có hai biến dạng: quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.
Ở các quốc gia có hình thức chính thể quân chủ tuyệt đối, vua (hoàng đế…) có quyền lực vô hạn, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đều nằm trong tay người đứng đầu nhà nước.
Hình thức này chủ yếu tồn tại trong hai kiểu nhà nước đầu tiên là nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến, ví dụ như Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Trong nhà nước có chính thể quân chủ hạn chế, người đứng đầu nhà nước hình thành bằng con đường truyền ngôi chỉ nắm một phần quyền lực nhà nước tối cao, bên cạnh họ có các cơ quan nhà nước hình thành bằng con đường bầu cử chia sẻ quyền lực nhà nước với họ.
Ví dụ Nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ nắm quyền lập pháp, Chính phủ tư sản nắm quyền hành pháp và quyền tư pháp thuộc về Tòa án tư sản còn nữ hoàng hay quốc vương thông thường chỉ đại diện cho truyền thống và tình đoàn kết dân tộc.
2. Chính thể cộng hòa
Chính thể cộng hòa là hình thức chính thể trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về những cơ quan đại diện được bầu ra trong một thời hạn nhất định.
Chính thể cộng hòa cũng có hai biến dạng là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc. Trong những quốc gia có chính thể cộng hòa dân chủ, quyền tham gia bầu cử để thành lập các cơ quan đại diện được quy định dành cho mọi công dân.
Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng bản chất của vấn đề cần phải xem xét điều kiện cụ thể để tham gia bầu cử trong từng nhà nước, chẳng hạn như trong nhà nước dân chủ chủ nô, chỉ có giai cấp chủ nô với có quyền công dân, các tầng lớp nhân dân khác, đặc biệt là nô lệ không được công nhận có quyền công dân trong xã hội (Nhà nước ATen).
Trong thực tế, giai cấp thống trị của các nhà nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định để hạn chế quyền bầu cử của nhân dân lao động.
Trong các quốc gia có hình thức chính thể cộng hòa quý tộc, quyền bầu cử hình thành các cơ quan đại diện chỉ dành cho giai cấp quý tộc (Nhà nước La mã).