0Bình luận

Phân biệt đồng phạm và phạm tội có tổ chức

1. Đồng phạm

Đồng phạm là những người cùng tham gia vào việc thực hiện một tội phạm như: cùng thực hiện tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (là người thực hành), thực hiện hành vi chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu việc thực hiện tội phạm (là người tổ chức), người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (là người xúi giục); tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm (là người giúp sức).

Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự cùng tham gia của những người đồng phạm khác.

Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí. Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó. Về ý chí: những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra.

Để thoả mãn quy định về đồng phạm cần có những điều kiện sau đây:

– Thứ nhất: phải từ hai người trở lên, những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. Đây là điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

– Thứ hai: cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm. Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.

2. Phạm tội có tổ chức

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

Tuy nhiên, không có sự lượng hóa cụ thể đối với sự câu kết, bàn bạc của những người phạm tội trong phạm tội có tổ chức, sự phân công nhiệm vụ, vai trò của những người đồng phạm.

Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án.

Vì vậy, khi quyết định hình phạt thì mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

Ý kiến