0Bình luận

Phân biệt Khởi kiện vụ án dân sự và Tố giác tội phạm liên quan đến hành vi vu khống

Có những vụ việc pháp lý, mà vụ việc đó hoàn toàn là một vụ việc tranh chấp về dân sự không có yếu tố hình sự, hoặc cũng có những vụ việc hoàn toàn là một vụ án hình sự không hề có yếu tố dân sự, nhưng lại có những vụ việc vừa có yếu tố tranh chấp dân sự vừa có dấu hiệu vụ án hình sự chẳng hạn như việc cho rằng bị vu khống xúc phạm về nhân phẩm danh dự…. Và đối với những vụ việc có cùng lúc cả yếu tố dân sự và hình sự như thế, quy trình pháp lý và hệ quả pháp lý sẽ xảy ra như thế nào, phụ thuộc một phần quan trọng vào lựa chọn của Người bị hại (Nạn nhân). Bài viết này sẽ giúp Bà con và các Bạn độc giả phân biệt sự khác nhau này – Lưu ý: Bài viết chỉ phân tích về trình tự pháp lý, phân biệt khái niệm pháp lý, hệ quả pháp lý dựa trên quy định của pháp luật, nhằm giúp Bà con hiểu và phân định những khác biệt – Tác giả không hề khẳng định hay kết luận trong vụ việc cụ thể nào, thì Ai đó là bị hại và Ai đó là nghi can.

I. PHÂN BIỆT CHUNG GIỮA KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ TỐ GIÁC TỘI PHẠM

Có nhiều Bà con nhắn tin hỏi Tác giả về một số vướng mắc pháp lý, thông qua các câu hỏi đó, Tác giả nhận thấy nhiều Bà con vẫn còn lúng túng, chưa phân biệt hoặc là phân biệt chưa thật sự chính xác vấn đề – Cụ thể: Khi nào thì phải kiện Vụ án dân sự; Khi nào thì phải báo Cơ quan Công an, liên quan đến vấn đề pháp lý của Bà con?! Và có vẻ như một số Bà con ta dùng chung từ “Kiện” bao gồm cho mọi trường hợp dù là hình sự hay dân sự – Sự nhầm lẫn này, đôi khi đưa lại những hệ quả đáng tiếc.

Khởi kiện Vụ án dân sự, là việc Bà con, khi có tranh chấp về tài sản, hợp đồng, thừa kế, các tranh chấp dân sự khác, nên đã quyết định khởi kiện Vụ án dân sự tại Tòa án. Để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Vụ án dân sự là Tòa án, chứ không phải Cơ quan Công an. Tòa án là cơ quan giải quyết từ đầu đến cuối một Vụ án dân sự, về tranh chấp dân sự, và trong quá trình đó, không có sự xuất hiện, cũng như vai trò của Cơ quan Công an (Trừ lực lượng hỗ trợ tư pháp, bảo vệ phiên tòa, bảo vệ nhân chứng khi cần thiết).

Ví dụ 1: Ông A ký hợp đồng Bán cho Ông B một lô hàng hóa. Hẹn chậm nhất 15 ngày sau sẽ giao hàng, nhưng đến 25 ngày sau, Ông A mới giao hàng. Việc giao hàng chậm làm Ông B bị thiệt hại rất nhiều. Nhưng nếu Ông B muốn Ông A bồi thường, thì phải kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết, mà không phải đi báo Công an. Vì nếu có báo, Cơ quan Công an cũng không giải quyết. Vì đây là vấn đề dân sự.

Ví dụ 2: Ông C cho Ông D mượn một chiếc xe máy, trong quá trình sử dụng, chẳng may Ông D sơ ý để bị trộm mất. Thì Ông D có nghĩa vụ đền cho Ông C chiếc xe này. Nếu Ông D không đền, thì Ông C khởi kiện Ông D ra Tòa án. Để yêu cầu Tòa án buộc D phải bồi thường cho mình. Mà Ông C không thể báo Công an để bắt Ông D đền, vì có báo thì cơ quan Công an cũng không giải quyết vì đây là tranh chấp dân sự (Tất nhiên Ông C có thể báo về vụ trộm, nhưng đây không phải vấn đề giữa Ông D và Ông C).

Nói tóm lại, khi nói đến Khởi kiện Vụ án dân sự, là nói đến việc tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản, nghĩa vụ hợp đồng, thừa kế, đất đai, các tranh chấp dân sự khác và được giải quyết bởi Tòa án, mà không phải bởi Cơ quan Công an. Và trong Vụ án dân sự thì không bao giờ có vấn đề tù tội. Mà Người thua kiện chỉ phải trả tiền, trả tài sản, giao tài sản hay thực hiện nghĩa vụ dân sự nhất định.

Trong khi đó Tố giác tội phạm, là khi Bà con bị ai đó xâm phạm bất hợp pháp tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền công dân hoặc tài sản của mình, hoặc các quyền lợi khác mà có dấu hiệu Tội phạm, thì Bà con sẽ báo Cơ quan Công an, để họ điều tra, xác minh có hay không có dấu hiệu Tội phạm, để tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 3: Tương tự như ví dụ 2, nhưng chỉ khác chi tiết đó là: C cho D mượn một chiếc xe máy, nhưng sau khi mượn xong thì D lại đem đi cầm cố hoặc đi bán để lấy tiền tiêu xài. Thì trong trường hợp này, C có thể báo Công an, vì hành vi của D đã có dấu hiệu của Tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ 4: A bị B đánh, gây thương tích. Hành vi của B có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của Người khác. Do đó A cần phải Công an, để yêu cầu điều tra xử lý.

Như vậy, Bà con chỉ báo Công an, khi hành vi của Người khác có dấu hiệu Tội phạm hình sự hoặc Vi phạm hành chính. Nếu sau khi tiếp nhận tin Tố giác tội phạm, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì Cơ quan Công an sẽ tiến hành khởi tố Vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra, kết luận điều tra. Sau đó sẽ chuyển hồ sơ Vụ án hình sự sang cho Viện kiểm sát truy tố, và Tòa án xét xử vụ án hình sự. Khi đó Tòa án sẽ tuyên hành vi vi phạm là có tội hay không có tội.

Trong thực tiễn, cũng có nhiều Vụ việc, ban đầu nó là vấn đề dân sự, nhưng sau đó chuyển hóa thành vụ án hình sự. Ví dụ 5: A vay tiền của B. Nếu A không có tiền để trả, thì không sao, đây chỉ là tranh chấp dân sự. Và B muốn đòi tiền, thì phải Khởi kiện Vụ án dân sự ra Tòa án. Nhưng nếu A vay tiền xong, rồi ôm tiền bỏ trốn, thì hành vi này lại có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lúc này, B phải báo Công an để tố giác về hành vi có dấu hiệu tội phạm của A.

Việc xác định được lúc nào thì đó là một tranh chấp dân sự, để khởi kiện ra Tòa án; Và lúc nào, đó là hành vi có dấu hiệu Tội phạm, để Tố giác ra Cơ quan Công an, là một vấn đề hết sức quan trọng. Vì điều đó, sẽ giúp Bà con xác định đúng hướng đi của Vụ việc: Về Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trình tự thủ tục giải quyết vụ việc, quyền và nghĩa vụ của Bà con trong quá trình giải quyết vụ việc đó, nhằm để Bà con, có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho mình.

II. CÁC LOẠI TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ KHI CÓ HÀNH VI VU KHỐNG XÂM PHẠM DANH DỰ NHÂN PHẨM CỦA NGƯỜI KHÁC

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những thuật ngữ pháp lý, được nhắc đến rất nhiều trong các văn bản pháp luật, như Hiến pháp, Bộ luật dân sự v.v…. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào, giải thích rõ về khái niệm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Mặc dù vậy, theo diễn giải của Từ điển Tiếng việt và Từ điển luật học, thì có thể hiểu: Danh dự, nhân phẩm, uy tín chính là phẩm chất và giá trị con người, là sự coi trọng của xã hội đối với con người cụ thể, và được thừa nhận như một quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ.

Điều 20, Điều 21 Hiến pháp nước CHXHCNVN hiện hành, Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rằng: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, bất kì ai có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật – Bao gồm các loại trách nhiệm sau:

(i) Thứ nhất – Trách nhiệm dân sự: Người có hành vi vi phạm buộc phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

(ii) Thứ hai – Trách nhiệm hành chính: Người có hành vi vi phạm sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và phải nộp phạt. Ví dụ 6: Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử – Thì Hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

(iii) Thứ ba – Trách nhiệm hình sự: Nếu như hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác thực sự nghiêm trọng, và đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Thì Người có hành vi vi phạm, có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh như vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự) hoặc làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự).

Lưu ý: Do trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự loại trừ nhau, tức là một hành vi vi phạm, chỉ có thể chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự – Cho nên nếu hành vi vi phạm đó đã bị xử phạt hành chính thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì không còn bị xử phạt hành chính. Riêng trách nhiệm dân sự thì có thể đi chung với hai loại trách nhiệm kia, nghĩa rằng dù đã bị xử phạt hành chính, hay truy cứ trách nhiệm hình sự, thì vẫn phải bồi thường thiệt hại nếu nạn nhân có yêu cầu.

Tương ứng với mỗi loại trách nhiệm pháp lý nêu trên của Người có hành vi vi phạm – Thì Người bị hại (Nạn nhân), cần và nên xác định mình mong muốn Người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý nào, để từ đó thực hiện thủ tục pháp lý phù hợp:

1. Một là – Nếu muốn người vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính thì Người bị hại phải làm Đơn yêu cầu đến Sở thông tin truyền thông, Cơ quan Công an……

2. Hai là – Nếu muốn người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, thì Người bị hại phải làm Đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra. 

3. Ba là – Nếu muốn người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai thì nộp Đơn khởi kiện ra tòa án.

Lưu ý: Trong trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì chỉ cần làm thủ tục tố giác tội phạm ra cơ quan công an là đủ (Cơ quan điều tra), bởi nếu sau này vụ án hình sự được đưa ra xét xử, thì người bị hại có quyền đưa ra các yêu cầu về bồi thường thiệt hại dân sự và sẽ được giải quyết trong cùng vụ án hình sự đó.

Nguồn: Fanpage Luật sư Đặng Bá Kỹ

Ý kiến