Kiến thức chung

Phân biệt tội danh vu khống và tội danh làm nhục người khác

Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: “Vì có mâu thuẫn cá nhân, nên Ông A đã bịa đặt thông tin rằng Bà B từng là Người ăn cắp tài sản, dù sự thật không phải như vậy; Ông A suốt ngày đi từ làng trên đến xóm dưới để “rỉ tai” với mọi Người chuyện này, nhằm khiến cho Bà B xấu hổ để không dám đi đâu gặp ai cả”! Theo Bà con thì hành vi của Ông A nếu được xác định là cấu thành tội phạm – Thì đây là hành vi cấu thành của Tội danh vu khống hay Tội danh làm nhục người khác?

Tội danh vu khống và Tội danh làm nhục người khác là  02 Tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự – Do đó NẾU chỉ có một hành vi thực hiện tội phạm, thì hành vi này chỉ có thể cấu thành 01 trong hai Tội danh là vu khống hoặc làm nhục người khác, mà không thể cùng lúc cấu thành cả hai Tội danh này. Tuy nhiên, thực tiễn có không ít Người lại hay dùng 02 hành vi của 02 Tội danh này trong cùng lúc đi liền với nhau để mô tả về một hành vi xảy trên thực tế – Ví dụ: “Ông N đã bị Bà M vu khống và làm nhục (Hoặc Ông N đã bị Bà M vu khống, làm nhục)”; Trong khi đúng ra chỉ có thể là một trong hai hoặc vu khống hoặc làm nhục mà thôi.

Xét dưới góc độ tâm lý học: Sở dĩ có sự nhầm lẫn như vừa nêu bởi một phần, đúng là về góc độ tâm lý con người khi bị người khác bịa đặt thông tin sai sự thật (Vu khống) sẽ kéo theo hệ quả là làm cho người đó cảm thấy bị làm nhục, nên đôi khi người ta hay dùng cùng lúc vu khống, làm nhục là như thế! Tuy nhiên, không thể vì vậy mà cho rằng có thể dùng chung như vừa nêu, vì có những hành vi có yếu tố làm nhục, nhưng lại không liên quan gì đến vu khống – Ví dụ: Trong lúc cãi nhau, Ông L bị Ông H nhổ nước bọt vào mặt trước sự chứng kiến của nhiều Người, thì hành vi này chỉ có thể là hành vi làm nhục người khác, mà không thể là hành vi vu khống.

Xét dưới góc độ khoa học hình sự – Sở dĩ có sự nhầm lẫn như vừa nêu bởi một phần, trong cả hai Tội danh đều có chi tiết “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” người khác. Cho nên khi bị bất kỳ ai đó xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, là nhiều Người sẽ cho rằng đã bị vu khống hoặc làm nhục. Ngay cả một số Người có chuyên ngành, đôi khi cũng không phân biệt được sự khác nhau của chi tiết “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” trong Tội vu khống và Tội làm nhục người khác, từ đó dẫn đến những nhầm lẫn.

Rõ ràng – Nếu như “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” trong Tội làm nhục Người khác là dấu hiệu hành vi (Đã có hành vi “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” người khác) – Thì trong Tội vu khống, việc “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” người khác lại là dấu hiệu mục đích hướng đến (Đã có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền thông tin sai sự thật NHẰM “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” người khác).

Chính vì vậy – Để phân biệt hai Tội danh trên, cần phải xác định và khẳng định: Trong Tội danh vu khống luôn bắt buộc phải có yếu tố [Sai sự thật] điều không bắt buộc trong Tội làm nhục Người khác, cho nên nếu không có yếu tố sai sự thật trong tất cả các hành vi thì không bao giờ cấu thành Tội vu khống – Đó là điều chắc chắn. Ví dụ: Ông A nói Cô B “làm gái bán dâm” và sự thật đúng như thế, thì đó không phải là hành vi vu khống.

Tuy nhiên – Cũng có những hành vi mang thông tin “Sai sự thật”, nhưng cái sai đó mang tính hiển nhiên mà Ai cũng biết chắc chắn, thì đó cũng không phải là hành vi vu khống. Ví dụ: Ông P có một Cô con gái, biết Đ là Người thường xuyên lân la muốn tán tỉnh con gái mình, nhưng Ông P không muốn gả con gái mình cho Đ, nên đã gọi Đ ra và chửi: “Mày là loại chó đẻ, mày không xứng với con tao, tránh xa nó ra, cả nhà mày là loại chó đẻ” – Đương nhiên, ở đây đã có hành vi sai sự thật vì Đ tất nhiên phải do Người sinh ra rồi, nhưng vì thông tin sai sự thật này mang tính hiển nhiên, ai cũng biết nên không thể nói là vu khống trong trường hợp này. Do đó hành vi của Ông P chỉ có thể cấu thành Tội làm nhục Người khác (Ví dụ vậy để là rõ nghĩa luận điểm, chứ cũng không thể chỉ vì một câu nói như thế mà có thể cấu thành tội phạm hình sự, cùng lắm là phạt hành chính).

Nói tóm lại – Cần phải xác định và khẳng định: Trong Tội danh vu khống luôn bắt buộc phải có yếu tố [Sai sự thật]! Yếu tố sai sự thật có thể được thể hiện trong 03 trường hợp để có thể cấu thành Tội danh vu khống – Bao gồm:

1. Một là: (Cố ý) Bịa đặt những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi ích của Người khác. Như vậy, nếu bịa đặt mà nhằm để tâng bốc, nịnh đầm người khác thì cũng không cấu thành Tội vu khống.

2. Hai là: (Cố ý) loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi ích của Người khác. Khác với trường hợp vừa nêu, thì trường hợp này Người phạm tội không tự bịa đặt ra, mà chỉ là nghe ai đó nói, rồi lại đi “mách lẻo” lại. Đây là chi tiết Bà con cần lưu ý, để thấy rằng không thể dựa vào việc “Nghe người ta nói rồi nói lại”, để cho rằng mình không phạm tội. Ví dụ: Ông A nói Bà B buôn ma túy cho Ông C nghe, Ông C biết rõ đó là sai sự thật nhưng vẫn đi kể lại cho Người khác nghe, thi Ông C vẫn có dấu hiệu phạm tội vu khống mà không chỉ có Ông A.

3. Ba là: (Cố ý) Bịa đặt Người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp này rất dễ xác định: Ví dụ Ông F bịa đặt ra chuyện Ông V trộm cắp tài sản của mình, đồng thời Ông F đã tố cáo Ông V ra Cơ quan công an, thì hành vi này của Ông F là vu khống.

Như vậy nếu không có yếu tố “Sai sự thật” trong hành vi thì không thể cấu thành Tội danh vu khống – Hoặc có yếu tố “Sai sự thật” trong hành vi nhưng không rơi vào 3 trường hợp vừa liệt kê đã nêu, thì cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Tội vu khống. Những hành vi có tính chất thóa mạ, mạt sát, miệt thị danh dự, hoặc xúc phạm nhân phẩm như chửi bới, nhạo báng… mà không kèm yếu tố “Sai sự thật” thì chỉ có thể có dấu hiệu hành vi của Tội danh làm nhục Người khác mà không phải Tội danh vu khống.

Về hình phạt thì Tội danh vu khống có nặng hơn chút xíu so với Tội danh làm nhục người khác. Khoản 1 của Tội danh làm nhục Người khác chỉ bị phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng hoặc cải tạo KHÔNG giam giữ đến 3 năm, nếu rơi vào khoản 2 thì cũng chỉ đến 2 năm tù, hiếm lắm mới rơi vào khoản 3 khi làm rối loạn tâm thần nạn nhân hoặc nạn nhân tự sát thì hình phạt kịch khung là 5 năm; Còn Khoản 1 của Tội danh vu khống có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng (Cao hơn tội kia 20 triệu) hoặc phạt tù đến 1 năm, nếu rơi vào Khoản 2 thì cũng chỉ đến 3 năm tù, hiếm lắm mới rơi vào khoản 3 khi vì động cơ đê hèn, làm rối loạn tâm thần nạn nhân hoặc khiến nạn nhân tự sát thì hình phạt kịch khung cũng là 7 năm. ĐÓ LÀ CHƯA tính đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, Tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, Có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, Không vì động cơ vụ lợi….. Nếu có phạm tội như vừa nêu, và áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ này, rất có thể sẽ được “Đẩy trượt khung” từ Khoản 3 xuống 2, Khoản 2 xuống 1, Khoản 1 thành miễn trách nhiệm hình sự, cuối cùng đôi khi chỉ có thể bị phạt tiền hoặc áp dụng án treo – Đây là chúng ta đang phân tích dựa trên sự công bằng của pháp luật, không tính đến yếu tố tiêu cực nếu có.

Nguồn: Fanpage Luật sư Đặng Bá Kỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *