Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong Tư pháp quốc tế
Về khái niệm “xung đột luật” và “xung đột thẩm quyền”:
“Xung đột luật” hay còn gọi là xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.
>>> Xem thêm:
- 200 câu nhận định đúng sai môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Đất đai có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật So sánh có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Hành chính có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai Luật tố tụng dân sự có đáp án
- 200 câu nhận định đúng sai có đáp án môn Luật Thương mại quốc tế
- 300 câu nhận định đúng sai môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật
Như vậy, khái niệm xung đột luật được hiểu là khi một quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh sẽ có hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau có thể áp dụng để điều chỉnh quan hệ này.
“Xung đột thẩm quyền”: Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là thuật ngữ mang tính ước lệ. Trong thực tiễn Tư pháp quốc tế, khi có một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (có thể là vụ việc dân sự, kinh tế, lao động,…) thì đồng thời cũng làm phát sinh tình trạng có hai hoặc nhiều cơ quan tư pháp của các nước khác nhau có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.
Do đó, khái niệm xung đột thẩm quyền được hiểu là hiện tượng hai hay nhiều cơ quan tư pháp của các quốc gia khác nhau cùng có thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.
Khái niệm xung đột thẩm quyền được đặt ra khi có hai hay nhiều cơ quan tư pháp của các nước khác nhau cùng có thể giải quyết vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.
Về bản chất của “xung đột luật” và xung đột thẩm quyền”:
“Xung đột luật”: Bản chất của xung đột luật là phải tìm ra được hệ thống pháp luật áp dụng cho một quan hệ quốc tế cụ thể phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình, lao động…Nghĩa là phải xác định hệ thống các quy phạm luật thực chất cụ thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Xung đột luật mang tính khách quan, dù muốn hay không muốn thì xung đột luật vẫn tồn tại. Tức là chỉ cẩn các chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài là phát sinh xung đột pháp luật.
“Xung đột thẩm quyền”: Bản chất của xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là vấn đề chọn các quy phạm xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế các vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể, để làm rõ Tòa án nước nào có thẩm quyền thực tế giải quyết thực chất vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể đã phát sinh.
Bản chất của hiện tượng xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế có liên hệ mật thiết với nhóm vấn đề thuộc Tố tụng dân sự quốc tế, trong đó có các vấn đề chính sau đây:
– Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế đối với các vụ việc tranh chấp thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế;
– Ủy thác tư pháp quốc tế và thực hiện các hành vi tố tụng dân sự quôc tế riêng biệt;
– Công nhận và thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài…
Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là hành vi tố tụng được thực hiện trước khi giải quyết vấn đề xung đột luật. Hay nói cách khác, cơ quant ư pháp của một nước khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự cụ thể áp dụng các dấu hiệu để xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế. Khi áp dụng các dấu hiệu để xác định thẩm quyền xét xử thuốc cơ quan tư pháp của nước mình thì mới áp dụng các hệ thuộc để giải quyết xung đột luật.
Về nguyên nhân phát sinh hiện tượng “xung đột luật” và “xung đột thẩm quyền”.
“Xung đột luật” phát sinh do các nguyên nhân: thứ nhất, do pháp luật các nước quy định khác nhau trong giải quyết một mối quan hệ tư pháp quốc tế cụ thể. Thứ hai, do các quan hệ tư pháp quốc tế luôn có ít nhất là hai hệ thống pháp luật có thể điều chỉnh.
“Xung đột thẩm quyền” thường xảy ra do các nguyên nhân: do hầu hết các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc lãnh thổ trong áp dụng pháp luật, Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề trong lãnh thổ nước mình và chỉ áp dụng pháp luật nước mình. Do vậy khi quan hệ tư pháp quốc tế phát sinh, vấn đề Tòa án nước nào giải quyết thực tế vụ việc đó sẽ làm phát sinh xung đột về thẩm quyền.
Về đặc điểm của “xung đột luật” và “xung đột thẩm quyền”:
“Xung đột luật” luôn có sự xuất hiện của từ hai hệ thống pháp luật trở lên và sự tham gia của các hệ thống pháp luật chỉ cần dừng ở mức khả năng. Nghĩa là khi xảy ra xung đột luật mà đã giải quyết bằng cách chọn được một hệ thống pháp luật điều chỉnh tình tiết cụ thể thì những hệ thống pháp luật khác không điều chỉnh thêm về tình tiết đó nữa, hay nói cách khác sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật là duy nhất đối với một tình tiết cụ thể.
Trong khi đó, “xung đột thẩm quyền” lại luôn có sự xuất hiện của ít nhất hai cơ quan tư pháp của hai quốc gia khác nhau và không chắc chắn xác định được thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc duy nhất một cơ quan của quốc gia nào. Các cơ quan tư pháp có quyền xét xử theo thẩm quyền của mình và không loại trừ thẩm quyền xét xử của các cơ quan tư pháp của quốc gia khác. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng song án trên thực tế.
Phạm vi phát sinh “xung đột luật” và “xung đột thẩm quyền”
“Xung đột luật” phát sinh trong việc giải quyết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì xung đột thẩm quyền chỉ phát sinh trong quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tức là đối với các quan hệ mà Tòa án dân sự không có thẩm quyền giải quyết thì không đặt ra vấn đề lựa chọn thẩm quyền.
Có thể thay thế bằng cách tóm tắt như sau:
Tiêu chí | Xung đột pháp luật | Xung đột thẩm quyền |
Khái niệm | Là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng có thế điều chỉnh một quan hệ pháp luật nhất định | Là hiện tượng hai hay nhiều cơ quan tư pháp của của khác nhau cùng có thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. |
Bản chất | Là phải tìm ra được hệ thống pháp luật áp dụng cho một quan hệ quốc tế cụ thể phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình, lao động… | Là vấn đề chọn các quy phạm xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế các vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể, để làm rõ Tòa án nước nào có thẩm quyền thực tế giải quyết thực chất vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể đã phát sinh. |
Nguyên nhân phát sinh | + Thứ nhất, do pháp luật các nước quy định khác nhau trong giải quyết một mối quan hệ tư pháp quốc tế cụ thể. + Thứ hai, do các quan hệ tư pháp quốc tế luôn có ít nhất là hai hệ thống pháp luật có thể điều chỉnh. | Do hầu hết các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc lãnh thổ trong áp dụng pháp luật, Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề trong lãnh thổ nước mình và chỉ áp dụng pháp luật nước mình. Do vậy khi quan hệ tư pháp quốc tế phát sinh, vấn đề Tòa án nước nào giải quyết thực tế vụ việc đó sẽ làm phát sinh xung đột về thẩm quyền. |
Đặc điểm | + Luôn có sự xuất hiện của từ hai hệ thống pháp luật trở lên. + Khi lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng thì sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật đó là duy nhất. | + Luôn có sự xuất hiện của ít nhất hai cơ quan tư pháp của hai quốc gia khác nhau. + Các cơ quan tư pháp có quyền xét xử theo thẩm quyền của mình và không loại trừ thẩm quyền xét xử của các cơ quan tư pháp của quốc gia khác. |
Phạm vi phát sinh | Phát sinh trong việc giải quyết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài | Chỉ phát sinh trong quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tức là đối với các quan hệ mà Tòa án dân sự không có thẩm quyền giải quyết thì không đặt ra vấn đề lựa chọn thẩm quyền. |