Phân loại quan hệ pháp luật hành chính
Căn cứ chủ yếu vào yếu tố chủ thể và một phần khách thể của quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật hành chính được phân thành 2 loại chính yếu:
1. Quan hệ pháp luật hành chính công quyền
– “Chủ thể quản lý” và “chủ thể của quản lý”:
+ Đối với chủ thể là cơ quan nhà nước thì năng lực chủ thể xuất hiện từ khi cơ quan đó được chính thức thành lập và ấn định thẩm quyền, đồng thời chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể.
+ Đối với chủ thể là cán bộ có thẩm quyền thì:
Năng lực hành vi là khả năng thực hiện những hành vi trong phạm vi năng lực pháp luật của quyền hạn, chức vụ được bổ nhiệm. Năng lực hành vi xuất hiện từ khi cán bộ đó được chính thức bổ nhiệm hay Nhà nước giao cho một chức vụ nhất định trong bộ máy Nhà nước.
+ Đối với chủ thể là tổ chức xã hội được giao thẩm quyền hành chính nhà nước, thì năng lực chủ thể xuất hiện từ khi tổ chức đó được chính thức thành lập và ấn định thẩm quyền theo nội dung công việc cố định, chu kì hoặc theo tình huống cụ thể; thẩm quyền này chấm dứt khi tổ chức đó không còn được ấn định thẩm quyền hành chính nhà nước
2. Quan hệ pháp luật hành chính công – tư
a. Chủ thể quản lý: giống như chủ thể quản lý của quan hệ pháp luật hành chính công quyền
b. Chủ thể của quản lý:
+ Đối với chủ thể là tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế thì năng lực chủ thể xuất hiện khi Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế đó.
+ Đối với chủ thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch thì thời điểm xuất hiện năng lực pháp luật và năng lực hành vi khác nhau.
– Năng lực pháp luật hành chính của công dân xuất hiện khi công dân đó sinh ra và chấm dứt khi công dân đó chết đi. Đó là khả năng hưởng các quyền và nghĩa vụ nhất định do luật hành chính quy định cho cá nhân. Ví dụ: quyền bầu cử, ứng cử, quyền học tập.
– Còn năng lực hành vi hành chính của công dân là năng lực của công dân thực hiện được các quyền và nghĩa vụ của mình trên thực tế . Năng lực đó xuất hiện khi công dân đạt một độ tuổi nhất định hay có sức khỏe, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, lý lịch cá nhân…Nói cách khác, đó là khả năng bằng hành vi cá nhân của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quản lý hành chính Nhà nước và được Nhà nước thừa nhận.
Đối với các chủ thể cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, hoặc cá nhân có thẩm quyền hành chính nhà nước nhưng tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính cụ thể không với tư cách ấy thì vẫn là chủ thể của quản lý và có năng lực pháp luật hành chính tương ứng như các chủ thể của quản lý trong quan hệ pháp luật hành chính công – tư.
3. Mục đích của việc phân chia quan hệ pháp luật hành chính “công” và “tư”
– Nhận ra được sự khác nhau của chủ thể và khách thể của quan hệ pháp luật hành chính, từ đó có phương pháp điều chỉnh hợp lý hơn.
+ Hành chính công quyền: mệnh lệnh phục tùng theo thể thức quản lý hành chính.
+ Hành chính công – tư: quyết định của cơ quan hành chính nhà nước phải bảo đảm hợp pháp và hợp lý, thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân.
– Thấy rõ được phạm vi điều chỉnh của luật hành chính ở tầm rộng, nhận ra bản chất các mối quan hệ pháp luật có nguồn gốc hoặc có khả năng được điều chỉnh, hoặc quan hệ trực tiếp với quan hệ pháp luật hành chính. Mọi quan hệ pháp luật đất đai đều xuất phát từ việc giao đất, cho thuê đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chủ sử dụng đất.
– Tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước phù hợp theo từng lĩnh vực. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp vào việc xây dựng những quy định trong quan hệ pháp luật hành chính công – tư ở địa phương mình.
– Khẳng định mục đích chính của quản lý nhà nước là hướng tới nhân dân, với vai trò là “công bộc” của nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm phải phục vụ, đáp ứng những nhu cầu và quyền lợi hợp pháp của công dân.
– Cải cách hành chính: “cắt khúc” quan hệ pháp luật hành chính theo từng đoạn, xem thủ tục nào còn rườm rà, khâu nào còn chưa hợp lý để có sự cải cách thích hợp, góp phần vào việc cải cách chung “toàn khâu” thể chế hành chính:
+ Thủ tục quan hệ pháp luật hành chính công quyền: Trước hết phải chính xác, gọn, đồng bộ và thống nhất.
+ Thủ tục của quan hệ pháp luật hành chính công – tư: Trước hết phải nhanh chóng, “phục vụ” và không gây phiền hà cho nhân dân. Thực hiện “một cửa một dấu” là một ví dụ.
Tuy nhiên, mọi sự phân chia đều là tương đối bởi vì 2 loại quan hệ pháp luật này đều gắn bó và hỗ trợ cho nhau: nếu không chú ý quan hệ pháp luật hành chính công quyền thì bộ máy hành chính không thực hiện tốt. Ngược lại, nếu không chú ý quan hệ pháp luật hành chính công – tư thì mất đi mục đích cao nhất của quan hệ pháp luật hành chính là phục vụ cho nhân dân. Nói tóm tại, chúng có mối liên hệ không thể tách rời bởi vì cùng là quan hệ pháp luật hành chính, chúng thể hiện và phục vụ cho quan hệ chấp hành điều hành.