0Bình luận

Phân loại quy phạm pháp luật hành chính

Để phân loại các quy phạm pháp luật hành chính có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, trong giới hạn của chương trình học ta chỉ phân loại dựa trên một số tiêu chí chủ yếu. Các tiêu chí đó là các căn cứ về nội dung pháp lý, về tính chất của những quan hệ được quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh, về thời gian áp dụng, cơ quan ban hành cũng như căn cứ vào phạm vi hiệu lực pháp lý của các quy phạm hành chính.

(i) Căn cứ vào nội dung pháp lý của quy phạm pháp luật hành chính ta có ba loại quy phạm:

– Quy phạm đặt nghĩa vụ: là quy phạm buộc các đối tượng có liên quan phải thực hiện những hành vi nhất định.

– Quy phạm trao quyền: là quy phạm trao quyền cho các đối tượng có liên quan quyền thực hiện những hành vi nhất định. Quy phạm trao quyền được thể hiện rõ trong quan hệ pháp luật hành chính công quyền khi cấp trên ban hành quy phạm trao quyền cho cấp dưới.

– Quy phạm ngăn cấm: là quy phạm buộc các đối tượng có liên quan tránh thực hiện những hành vi nhất định.

(ii) Căn cứ vào tính chất của những quan hệ được điều chỉnh ta có hai loại quy phạm:

– Quy phạm nội dung: là quy phạm quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước.

– Quy phạm thủ tục: là quy phạm quy định trình tự thủ tục mà các bên phải tuân theo trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

(iii) Căn cứ vào cơ quan ban hành ta có các quy phạm sau:

− Những quy phạm do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành.

− Những quy phạm do Chủ tịch nước ban hành.

− Những quy phạm do Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

− Những quy phạm do cơ quan hành chính nhà nước ban hành.

− Những quy phạm do Tổng kiểm toán nhà nước ban hành.

− Những quy phạm do các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ban hành.

Lưu ý rằng quy phạm pháp luật hành chính không chỉ được ban hành bởi cơ quan hành chính nhà nước, mà cả các cơ quan khác trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, tất cả các văn bản của các tổ chức xã hội với tư cách độc lập của tổ chức xã hội đó, trong mọi trường hợp, không được xem là văn bản quy phạm pháp luật hành chính.

(iv) Căn cứ vào thời gian áp dụng ta có ba loại quy phạm, đó là: quy phạm áp dụng lâu dài, quy phạm áp dụng có thời hạn và những quy phạm tạm thời.

− Quy phạm áp dụng lâu dài: là quy phạm mà trong văn bản ban hành chúng không ghi thời hạn áp dụng, do vậy, chúng chỉ hết hiệu lực khi cơ quan có thẩm quyền tuyên bố bãi bỏ hay thay thế chúng bằng những quy phạm khác.

− Quy phạm áp dụng có thời hạn: là những quy phạm mà trong văn bản ban hành chúng có ghi thời hạn áp dụng. Thường là những quy phạm được ban hành để điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong tình huống đặc biệt, khi tình huống này không còn thì quy phạm cũng hết hiệu lực.

− Quy phạm tạm thời: là những quy phạm được ban hành để áp dụng thử. Nếu sau thời gian áp dụng thử mà xét thấy nó phù hợp thì sẽ ban hành chính thức. Có những trường hợp được ban hành thí điểm, áp dụng giới hạn ở một số địa phương nhất định. Sau một thời gian đánh giá hiệu quả hoạt động trên thực tế, sẽ ban hành đồng loạt.

(v) Căn cứ vào phạm vi hiệu lực pháp lý ta có hai loại sau:

− Quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực trên phạm vi cả nước

− Quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực pháp lý ở từng địa phương. Việc phân loại này sẽ được phân tích cụ thể trong phần sau về hiệu lực của quy phạm pháp luật hành chính.

Ý kiến