Lĩnh vực khácTin tức pháp luật nổi bậtTư vấn pháp luật

Quân đội và công an thuộc quyền thống lĩnh của ai?

Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam thuộc quyền thống lĩnh của ai?

Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện việc quản lý quốc phòng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà nước về quốc phòng gồm ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; ký kết các điều ước quốc tế về hợp tác quốc phòng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền ban hành các đạo luật liên quan đến chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang… Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động quốc phòng của Nhà nước. Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến quốc phòng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật An ninh Quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Biên giới quốc gia… Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều pháp lệnh về quốc phòng như Pháp lệnh Cảnh sát biển, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Pháp lệnh Động viên quốc phòng, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng…

Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; công bố và ban hành các đạo luật, pháp lệnh về quốc phòng khác; quyết định phong hàm cấp thượng tướng, đại tướng cho sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành các nghị định, nghị quyết để cụ thể hoá việc thực hiện các luật, pháp lệnh về quốc phòng. Chính phủ cũng ban hành các chính sách về củng cố quốc phòng và xây dựng quân đội, lập quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Theo phân cấp, các bộ ngành tiến hành giáo dục quốc phòng, hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất cho lực lượng vũ trang và thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng… Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quốc phòng. Chính phủ đã thể chế hóa trách nhiệm của các ngành các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng các tỉnh (thành phố) thành các khu vực phòng thủ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng – an ninh làm cơ sở vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân. Thủ tướng Chính phủ quyết định phong hàm cấp thiếu tướng, trung  tướng cho sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ Quốc phòng là cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý và chỉ huy Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; quản lý các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa là người chỉ đạo thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật, vừa chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng, quản lý và là người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ Quốc phòng có Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục và các đơn vị trực thuộc khác. Bộ Quốc phòng quyết định phong hàm cấp tá, cấp úy cho sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chỉ huy, điều hành Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng. Bộ Tổng tham mưu tổ chức, chỉ đạo sự phát triển của quân đội và dân quân tự vệ đồng thời chỉ huy các hoạt động quân sự. Bộ Tổng tham mưu có Tổng Tham mưu trưởng, các Phó Tổng tham mưu trưởng, các cục chức năng về tác chiến, huấn luyện, quân lực, dân quân tự vệ, nhà trường quân đội… Tổng Tham mưu trưởng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người thay thế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành các hoạt động của Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt. Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu xây dựng chiến lược quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch phòng thủ đất nước, chủ trì phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định pháp luật về quốc phòng, kiểm tra đôn đốc các đơn vị quân đội chấp hành pháp luật của Nhà nước, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tổng cục Chính trị là cơ quan chỉ đạo và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Tổng cục có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm, các cục chức năng chịu trách nhiệm về công tác cán bộ, tuyên huấn, tổ chức đảng, công tác dân vận, an ninh quân đội… Tổng cục Chính trị là cơ quan quản lý hành chính đối với hệ thống toà án quân sự, viện kiểm sát quân sự các cấp.

Các cơ quan chức năng cấp tổng cục của Bộ Quốc phòng gồm Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Tình báo quốc phòng. Các tổng cục có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm (riêng Tổng cục Tình báo quốc phòng có Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng); Chính uỷ và Phó Chính uỷ; cơ quan Tham mưu, cục Chính trị, các cơ quan và đơn vị trực thuộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Tổng cục Hậu cần là cơ quan đầu ngành về hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam; có chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm vật chất, bảo đảm sinh hoạt, bảo đảm quân y, bảo đảm vận tải… cho Quân đội.  Tổ chức hiện nay gồm: Văn phòng Tổng cục Hậu cần, Bộ Tham mưu Hậu cần, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, các cục chuyên ngành (Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Xăng dầu, Vận tải…) và một số cơ quan, cơ sở, đơn vị trực thuộc khác.

 Tổng cục Kỹ thuật là cơ quan đầu ngành kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng tham mưu, bảo đảm kỹ thuật cho quân đội, có các cục chức năng chịu trách nhiệm về bảo đảm kỹ thuật cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Tổng cục còn có các cơ quan, đơn vị, học viện, trường kỹ thuật chuyên ngành, các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa vũ khí và các đơn vị trực thuộc khác.

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí, trang bị quân dụng cho quân đội và dân quân tự vệ. có các cục chức năng, các nhà máy sản xuất vũ khí, khí tài, các trường dạy nghề, các đơn vị trực thuộc.

Tổng cục Tình báo quốc phòng là cơ quan tình báo chuyên trách chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam; cơ quan tình báo chuyên trách quân sự của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tổng cục Tình báo Quốc phòng là lực lượng  trực tiếp thực hiện công tác tình báo ở cấp chiến lược; là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức lực lượng và hoạt động tình báo, đồng thời là cơ quan đầu ngành trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ tình báo đối với hệ thống quân báo – trinh sát toàn quân.

Cục Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam có 4 vùng Cảnh sát biển. Cảnh sát biển được trang bị các loại tàu, thuyền đáp ứng các yêu cầu quản lý việc chấp hành pháp luật liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở các khu vực biển Việt Nam. Mọi hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành.

Cục Cứu hộ, Cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, chịu trách nhiệm điều phối các lực lượng cả trong và ngoài quân đội trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai và khắc phục hậu quả các thảm hoạ.

Cục Đối ngoại trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về đối ngoại quốc phòng của quân đội, thực hiện chức năng tham mưu cho Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương, phương hướng và biện pháp công tác đối ngoại quân sự; hướng dẫn và quản lý các hoạt động đối ngoại quốc phòng; lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại quân sự trong các lĩnh vực được phân công; là đại diện của Bộ Quốc phòng trong quan hệ với Tuỳ viên quốc phòng các nước, các đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và khu vực tại Việt Nam.

Tham mưu, giúp việc cho Bộ Quốc phòng có Văn phòng Bộ Quốc phòng đồng thời là Văn phòng Đảng uỷ Quân sự Trung ương và các cơ quan chức năng khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *