Quản lý nhà nước là gì?
1. Nhà nước là gì?
Nhà nước là một bộ phận trung tâm của hệ thống chính trị, nhà nước là chủ thể duy nhất nắm giữ quyền quản lý nhà nước trên toàn xã hội, phân biệt với các tổ chức khác qua các đặc điểm:
– Nhà nước là đại diện chính thức cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, là đại diện chính thức của toàn xã hội;
– Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành pháp luật và áp dụng bắt buộc đối với tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Nhà nước thực hiện việc quản lý thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội;
– Nhà nước có bộ máy cưỡng chế, bao gồm lực lượng cảnh sát, quân đội, nhà tù, toà án…làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ;
– Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền thu thuế;
– Nhà nước là đại diện chính thức của quốc gia trong quan hệ đối ngoại với các quốc gia khác trên thế giới.
2. Quản lý nhà nước là gì?
Quản lý nhà nước là quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Từ khi xuất hiện, nhà nước điều chỉnh các quan hệ xã hội được xem là quan trọng, cần thiết. Quản lý nhà nước được thực hiện bởi toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước. Điểm khác nhau cơ bản giữa quản lý nhà nước và các hình thức quản lý khác (ví dụ: quản lý của xã hội cộng sản nguyên thủy…) thể hiện:
– Quản lý nhà nước mang tính quyền lực nhà nước gắn liền với cưỡng chế nhà nước khi cần thiết;
– Quản lý nhà nước được thực hiện bằng bộ máy quản lý chuyên nghiệp;
– Quản lý nhà nước phải dựa chủ yếu trên cơ sở pháp luật;
– Quản lý nhà nước thể hiện cả tính giai cấp và tính xã hội;
– Có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước chuyên trách có chế độ đãi ngộ riêng.