Pháp luật Dân sựTin tức pháp luật nổi bậtTư vấn pháp luật

Quy định giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài năm 2023

Khoản 14, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Theo quy định tại Điều 127, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Về thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 28 và Điều 29, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Khoản 3, Điều 35, Bộ luật này quy định, những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện.

Theo đó, những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc TAND cấp tỉnh. Trừ trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu việc ly hôn diễn ra giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp huyện.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn quy định tại khoản 3, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nhưng khi giải quyết, Tòa án vẫn vận dụng quy định tại Phần I, Mục 4, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP-TANDTC và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP-TANDTC hướng dẫn về khoản 3, Điều 33, Bộ luật Tố tụng dân sự 2011 để xác định đương sự ở nước ngoài.

Pháp luật áp dụng với các trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài là có quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc các quy định của pháp luật Việt Nam có quy định khác với quy định của điều ước quốc tế về cùng một vấn đề.

Theo các hiệp định, vấn đề ly hôn giữa công dân các nước ký kết được xác định theo nguyên tắc:

– Nếu hai vợ chồng có cùng quốc tịch thì luật áp dụng để giải quyết ly hôn là luật quốc tịch của cả hai vợ chồng.

– Nếu hai vợ chồng khác quốc tịch thì cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nào nhận đơn xin ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật của nước đó (khoản 2, Điều 25, Hiệp định với Liên bang Nga; khoản 1, 2, Điều 25, Hiệp định với Cu ba; Điều 33, Hiệp định với Hungari; khoản 1, 2, Hiệp định với Bungari).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *