Quy phạm pháp luật hành chính là gì?
1. Khái niệm quy phạm pháp luật hành chính
Trước hết, “quy phạm” được hiểu là “điều quy định chặt chẽ phải tuân theo”. Trong đời sống hàng ngày, ta vẫn thường gặp những khái niệm như “quy phạm đạo đức”, “quy phạm tôn giáo”. Tuy nhiên, khác với “quy phạm đạo đức” và các quy phạm xã hội khác, “quy phạm pháp luật” được ban hành bởi nhà nước và mang tính cưỡng chế nhà nước. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước chính là quy phạm pháp luật hành chính.
Như vậy, quy phạm pháp luật hành chính là các quy tắc xử sự chung do cơ quan Nhà nước, các cán bộ nhà nước có thẩm quyền ban hành, chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước (hay còn gọi là hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà nước) có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với những đối tượng có liên quan.
2. Đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính
Qua khái niệm trên cho thấy quy phạm pháp luật hành chính là một trong những dạng quy phạm pháp luật và nó có những đặc điểm sau:
(i) Là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung. Giống như các quy phạm pháp luật khác, quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế nhà nước. Những quy phạm này xác định hành vi của các đối tượng có liên quan: được làm gì, không được làm gi và làm như thế nào. Các quy tắc xử sự này được ban hành theo thủ tục, trình tự chặt chẽ theo pháp luật. Khi có một quan hệ pháp luật hành chính cụ thể tương ứng phát sinh, quy tắc xử sự chung trên sẽ là căn cứ để ra văn bản áp dụng. Tuy vậy, dù có hay chưa có văn bản áp dụng, quy phạm pháp luật trên vẫn tồn tại và không mất đi giá trị pháp lý trừ khi hết hiệu lực.
(ii) Được ban hành bởi những cơ quan nhà nước hoặc cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp khác nhau với mục đích cụ thể hóa các quy phạm pháp luật hành chính của các cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan nhà nước cấp trên. Vì các văn bản pháp luật do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành trong lĩnh vực quản lý hành chính mới chỉ quy định một cách chung nhất nên chúng đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực của quản lý hành chính.
(iii) Tính thống nhất. Mặc dù quy phạm pháp luật hành chính được ban hành bởi những cơ quan khác nhau, có hiệu lực pháp lý cũng như phạm vi thi hành khác nhau nhưng về cơ bản chúng hợp thành một hệ thống thống nhất. Tính thống nhất của các quy phạm pháp luật hành chính được bảo đảm bởi hệ thống các nguyên tắc trong luật hành chính, đặc biệt là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc tập trung dân chủ. Những nguyên tắc này đòi hỏi:
+ Các quy phạm pháp luật hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành phải phù hợp với các văn bản sau đây:
– Hiến pháp, Bộ Luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội;
– Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
– Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước.
+ Những quy phạm pháp luật hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ban hành phải phù hợp với những quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ban hành.
+ Các quy phạm pháp luật hành chính phải được ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức pháp luật đã quy định.
+ Các quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan địa phương ban hành để thi hành ở địa phương phải phù hợp với quy phạm pháp luật hành chính do các cơ quan ở trung ương ban hành để thi hành trong cả nước.
+ Việc ban hành các quy phạm pháp luật hành chính của cơ quan cấp dưới đòi hỏi phải hù hợp với những quy phạm pháp luật hành chính do cấp trên ban hàn.
(iv) Những quy phạm pháp luật hành chính ban hành chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hành chính nhà nước. Điều này đồng nghĩa với sẽ có những văn bản thứ yếu phát sinh trong lĩnh vực khác của nhà nước. Thật vậy, ngoài việc xác định thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực lao động, luật hành chính đồng thời điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức quá trình lao động và chế độ công vụ.
(v) Các quy phạm pháp luật hành chính được đặt ra, sửa đổi hay bãi bỏ trên cơ sở những quy luật phát triển khách quan của xã hội và những đặc điểm cụ thể trong từng giai đoạn. Hiện nay, do chưa có một đạo luật về quản lý nhà nước thống nhất, quy phạm pháp luật hành chính là tổng hợp các quy phạm về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tương ứng với các lĩnh vực quản lý của đời sống xã hội. Vì vậy, quy phạm pháp luật hành chính hiện tại được ban hành bởi khá nhiều cơ quan, có hiệu lực pháp lý khác nhau và thi hành khác nhau, cũng như tính ổn định các văn bản này không cao. Tuy nhiên, đây không phải là bản chất của quy phạm pháp luật hành chính. Tuy đa dạng về văn bản các cấp gắn liền với quy phạm hành chính, nhưng về lâu dài sẽ phải có một “Bộ Luật hành chính” hoặc “Luật hành chính” được pháp điển hóa tập trung, thống nhất điều chỉnh các mối quan hệ chung nhất chứa đựng một cách có hệ thống hơn các quy phạm pháp luật hành chính.