So sánh 4 kiểu nhà nước trong lịch sử
Kiểu nhà nước là tổng thể các dấu hiệu cơ bản, đặc thù của nhà nước thể hiện bản chất và những điều kiện để tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.
Học thuyết Mác –Lênin đã phân chia xã hội có giai cấp thành 4 hình thái kinh tế xã hội: CHNL, PK, TBCN, XHCN. Tương ứng với nó là 4 kiểu nhà nước: kiểu nhà nước chủ nô, kiểu nhà nước phong kiến, kiểu nhà nước tư bản, và kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Kiểu nhà nước chủ nô
Cơ sở kinh tế: hình thức sở hữu trong kiểu nhà nước chủ nô là tư hữu. Chủ nô sở hữu tư liệu sản xuất và cả người nô lệ. Trong xã hội chủ nô, nô lệ không có một quyền con người nào, thậm chí còn bị coi là “đồ vật”, bị mua đi bán lại, phải lao động cật lực để mang lại của cải vật chất cho chủ nô.
Cơ sở xã hội: trong xã hội chiếm hữu nô lệ tồn tại nhiều giai cấp như chủ nô, nông dân, nô lệ và ngoài ra còn có tầng lớp thợ thủ công. Trong đó hai giai cấp đối kháng chính là chủ nô và nô lệ. Chủ nô là giai cấp thống trị xã hội còn nô lệ là giai cấp bị trị.
Cơ sở tư tưởng: cơ sở tư tưởng của nhà nước trong thời kỳ này là đa thần giáo. Giai cấp thống trị đã sử dụng tôn giáo làm sức mạnh tinh thần và trấn áp giai cấp bị trị.
Kiểu nhà nước phong kiến
Cơ sở kinh tế: chế độ tư hữu tiếp tục tồn tại và phát triển ở kiểu nhà nước phong kiến nhưng khác nhau về đối tượng sỡ hữu. Giai cấp địa chủ sỡ hữu đất đai. Tính chất bóc lột giờ đây đã có sự thay đổi, tức là từ bóc lột kinh tế trực tiếp của chủ nô với nô lệ chuyển sang bóc lột của quý tộc phong kiến với nông dân thông qua địa tô phong kiến.
Cơ sở xã hội: ở phương Tây, Thiến chúa giáo phát triển mạnh mẽ, thậm chí ở thời Trung cổ, Thiên chúa giáo thống trị cả thế giới. Ở phương Đông, giai cấp thống trị sử dụng Phật giáo, Nho giáo và những học thuyết khác có lợi cho giai cấp thống trị và chúng trở thành cơ sở tư tưởng cho các nhà nước phong kiến.
Kiểu nhà nước tư sản
Cơ sở kinh tế: cơ sở kinh tế trong kiểu nhà nước tư sản vẫn là tư hữu nhưng sự tư hữu ở đây khác với tư hữu phong kiến. Đối tượng tư hữu không chỉ là đất đai mà là tư bản vốn (tiền). Chính sự thay đổi đối tượng này dẫn đến sự thay đổi về phương thưc bóc lột – bóc lột thông qua giá trị thặng dư. Người công nhân phải bán sức lao động của mình trong các công xưởng để mang lại lợi nhuận cho giai cấp tư sản.
Cơ sở xã hội: trong nhà nước tư sản, kết cấu dân cư phức tạp vì tồn tại nhiều giai cấp. Trong thời kỳ đầu của nhà nước tư sản, xã hội tồn tại 3 giai cấp chính đó là phong kiến, nông dân, tư sản. Sau đó giai cấp phong kiến bị đánh đổ, xã hội tồn tại hai giai cấp chính là vô sản và tư sản. Ngoài ra còn có các tầng lớp khác như trí thức, tiểu thương, thợ thủ công…Giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị.
Cơ sở tư tưởng: nhà nước tư sản được tổ chức và hoạt động dựa trên hệ tư tưởng tư sản vốn được hình thành trong quá trình đấu tranh với quý tộc phong kiến.
Kiểu nhà nước Xã hội chủ nghĩa
Cơ sở kinh tế: cơ sở kinh tế trong nhà nước Xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu. Mục tiêu của nhà nước Xã hội chủ nghĩa là thoả mãn những điều kiện vật chất và tinh thần của người dân.
Cơ sở xã hội: trong nhà nước Xã hội chủ nghĩa, vì cơ sở kinh tế là chế độ công hữu nên quan hệ bóc lột giai cấp sẽ không có điều kiện phát triển. Trong xã hội sẽ chỉ còn tồn tại các nhóm xã hội, các tầng lớp tồn tại trên cơ sở quan hệ hợp tác và dần dần đi đến xoa bỏ giai cấp.
Cơ sở tư tưởng: cơ sở tư tưởng trong nhà nước Xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lênin- Học thuyết tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sự thay đổi kiểu nhà nước này bằng kiểu nhà nước khác là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đó là quy luật khách quan của sự vận động và phát triển thông qua các cuộc cách mạng xã hội. Kiểu nhà nước sau bao giờ cũng tiến bộ hơn kiểu nhà nước trước nhưng vẫn có sự kế thừa nhất định.