So sánh các kiểu pháp luật trong lịch sử
Kiểu pháp luật là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản, đặc thù của pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp và những điều kiện tồn tại và phát triển của pháp luật trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.
Học thuyết Mác-Lenin về các hình thái kinh tế xã hội là cơ sở để phân định kiểu pháp luật. Đặc điểm của mỗi hình thái kinh tế xã hội trong xã hội có giai cấp sẽ quyết định những dấu hiệu cơ bản của pháp luật. Phù hợp với điều đó, trong lịch sử đã tồn tại bốn kiểu pháp luật:
– Kiểu pháp luật chủ nô;
– Kiểu pháp luật phong kiến;
– Kiểu pháp luật tư sản;
– Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Tương ứng với 4 kiểu nhà nước cũng có 4 kiểu pháp luật, đặc điểm như sau:
Thứ nhất, đặc trưng của kiểu pháp luật chiếm hữu nô lệ là sự phi nhân tính, coi bộ phận lớn dân cư – những người nô lệ, chỉ là công cụ biết nói của chủ nô, cho phép chủ nô có toàn quyền mua hay bán, sử dụng hay giết bỏ, làm quà tặng hay biếu xén, thế chấp hay thừa kế, được trừng trị bằng những hình phạt tàn khốc đối với những nô lệ bỏ trốn hay có âm mưu chống lại.
Thứ hai, kiểu pháp luật phong kiến phân chia xã hội thành các giai cấp, đẳng cấp với những quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau tuỳ theo địa vị xã hội; xác nhận và bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của các tầng lớp phong kiến, quý tộc, duy trì tình trạng nửa nô lệ của những nông nô, tá điền, những nghĩa vụ nặng nề và những hình phạt tàn khốc đối với họ.
Thứ ba, Kiểu pháp luật tư sản giải phóng con người khỏi mọi sự lệ thuộc phong kiến, tuyên bố mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thừa nhận các quyền tự do kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khẳng định quyền tư hữu là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, củng cố phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện của chế độ tư sản, những người lao động phần lớn chỉ có sự bình đẳng và những quyền pháp lý hình thức do không có những điều kiện vật chất cần thiết cho việc thực hiện. Đó chính là tính hình thức và giả tạo của pháp luật tư sản. Pháp luật tư sản là một hệ thống phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu về quản lí xã hội của giai cấp tư sản.
Thứ tư, kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân lao động, các lợi ích chính đáng của mọi giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa trở thành phương tiện lãnh đạo nhà nước và xã hội của chính đảng của giai cấp công nhân, là công cụ có hiệu quả để quản lí xã hội, chỗ dựa của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực của mình, là vũ khí sắc bén để bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ba kiểu pháp luật chủ nô, phong kiến và tư sản là những kiểu pháp luật bóc lột được xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Cho nên, mặc dù mỗi kiểu có bản chất và có cách thể hiện riêng của mình nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là thể hiện ý chí giai cấp bóc lột trong xã hội, củng cố và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, bảo đảm về mặt pháp lý áp bức bóc lột giai cấp thống trị với nhân dân lao động, duy trì tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Khác với các kiểu pháp luật trên, pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chiếm tuyệt đại đa số dân cư trong xã hội. Mục đích của pháp luật xã hội chủ nghĩa là thủ tiêu mọi hình thức áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người đều bình đẳng và tự do.