0Bình luận

So sánh trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hành chính là những hậu quả pháp lý bất lợi nhà nước quy định, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trách nhiệm hình sự là những hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu vì hành vi phạm tội của mình.

Giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự có những điểm giống và khác nhau cơ bản sau đây:

1. Điểm giống nhau cơ bản giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự

Cả hai loại trách nhiệm pháp lý này đều là những hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể thực hiện phải gánh chịu khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Những hậu quả pháp lý ở đây chính là những thiệt hại về vật chất, tinh thần, quyền lợi thậm chí là tự do mà các chủ thể phải gánh chịu khi đã xâm phạm đến những quy tắc được pháp luật bảo vệ và quy định trong các văn bản pháp luật.

Đều là những trách nhiệm pháp lý mà chủ thể phải gánh chịu trước nhà nước chứ không phải với bên bị hại.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chính là đã xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước do nhà nước thiết lập ra.

Nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức này phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi để duy trì trật tự xã hội theo định hướng, mục tiêu mà nhà nước đề ra, đảm bảo các quy định pháp luật được thực hiện một cách triệt để trong thực tiễn vì vậy các chủ thể vi phạm phải gánh chịu hậu quả trước nhà nước.

Thẩm quyền áp dụng trách nhiệm pháp lý chủ yếu thuộc về các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét hành vi, chứng cứ để đưa ra quyết định xử lý khắc phục hậu quả.

Đều có hình thức xử lý gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả, ngăn chặn vi phạm.

2. Những điểm khác nhau cơ bản giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự

(i) Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý

– Trách nhiệm hành chính: Hình thức trách nhiệm pháp lý đặt ra với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính. Khi cá nhân, tổ chức xâm phạm đến các quy tắc quản lý nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành chính.

– Trách nhiệm hình sự: Hình thức trách nhiệm pháp lý đặt ra chỉ với cá nhân. Khi cá nhân này thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội hoặc làm việc mà pháp luật ngăn cấm hoặc không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật hình sự quy định thì phải buộc chịu hậu quả pháp lý bất lợi.

(ii) Chủ thể có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm pháp lý

– Trách nhiệm hành chính: Chủ thể có thẩm quyền chủ yếu là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức của cơ quan đó.

– Trách nhiệm hình sự: Chủ thể có thẩm quyền là cơ quan tiến hành tố tụng, hệ thống tòa án.

(iii) Bản chất

– Trách nhiệm hành chính: Là loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng để xử lý các vi phạm hành chính.

– Trách nhiệm hình sự: Là loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng để xử lý các vi phạm hình sự do pháp luật hình sự quy định. Trách nhiệm hình sự có mức độ nghiêm khắc hơn trách nhiệm hành chính.

(iv) Mức độ

– Trách nhiệm hành chính: có mức độ nghiêm khắc thấp hơn trách nhiệm hình sự.

– Trách nhiệm hình sự được biểu hiện ở việc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước là hình phạt, tước bỏ hoặc hạn chế ở họ một số quyền, lợi ích hợp pháp.

(v) Hình phạt

– Trách nhiệm hành chính: mức độ hình phạt nhẹ hơn so với trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hành chính chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền, trục xuất,…

– Trách nhiệm hình sự: nặng hơn, có thể lên đến tử hình với những tội phạm nghiêm trọng.

(vi) Thủ tục áp dụng

– Trách nhiệm hành chính: áp dụng đúng pháp luật các biện pháp chế tài hành chính, theo thủ tục hành chính do pháp luật hành chính quy định, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự về thời gian, không gian.

– Trách nhiệm hình sự: xác định bằng trình tự đặc biệt quy định trong luật tố tụng hình sự, trình tự thủ tục phải tuân thủ các quy định về thủ tục tố tụng tư pháp. Trách nhiệm hình sự phải được phản ánh trong bản án hay quy định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Ý kiến