0Bình luận

Thị trường chứng khoán OTC là gì? Đặc điểm của thị trường OTC

Thị trường chứng khoán OTC (hay còn gọi là thị trường chứng khoán phi tập trung) là thị trường ngoài Sở giao dịch chứng khoán. OTC là viết tắt của từ tiếng anh Over the counter tức là giao dịch “qua quầy”. Thuật ngữ này xuất phát từ việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện trực tiếp tại ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán mà không thông qua trung gian để đưa vào đấu giá tập trung.

Thị trường OTC có những đặc trưng sau:

Thứ nhất, thị trường OTC là thị trường có tổ chức: bản chất của thị trường chứng khoán OTC là một thị trường mua bán, trao đổi mà các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán mà không thông qua trung gian. Tuy nhiên sẽ có các chủ thể đứng ra tổ chức thị trường này, thường là các tổ chức tự quản như Hiệp hội kinh doanh chứng khoán.

Thứ hai, phương thức giao dịch trên thị trường OTC là phương thức thương lượng, thỏa thuận trực tiếp: phương thức giao dịch trên thị trường OTC là thương lượng, thỏa thuận trực tiếp mà không theo phương thức đấu giá như trên thị trường chứng khoán tập trung. Trên thị trường, các công ty chứng khoán thực hiện môi giới chứng khoán cho các nhà đầu tư hoặc mua bán chứng khoán cho chính mình thông qua tiến hành đàm phán thỏa thuận trực tiếp hoặc thông qua hệ thống máy tính. Phương thức thỏa thuận song phương và thương lượng  giữa người mua và người bán được thực hiện chủ yếu, phương thức khớp lệnh thường ít được áp dụng.

– Thứ ba, hàng hóa trên thị trường OTC: chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC là loại chứng khoán có chất lượng không cao như ở thị trường giao dịch tập trung. Đó là các chứng khoán chưa miên yết hoặc không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên Sở  giao dịch chứng khoán. Mặc dù vậy chứng khoán giao dịch trên thị trường này cũng phải tuân thủ các quy định về niêm yết của thị trường nên độ rủi ro với các loại chứng khoán này thấp hơn nhiều so với các loại chứng khoán trên thị trường mua bán, trao tay.

– Thứ tư, thị trường OTC chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức có liên quan: trên thế giới, có hai cấp độ quản lý thị trường OTC: quản lý nhà nước và quản lý bởi các tổ chức tự quản. Ở những nước có thị trường chứng khoán phát triển, nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý mà giao cho các tổ chức tự quản như Hiệp hội kinh doanh chứng khoán. Còn đối với những thị trường OTC mới hình thành và phát triển, vai trò của tổ chức tự quản chưa được khẳng định và đề cao nên do nhà nước quản lý và giám sát. Ở Việt Nam, thị trường OTC sẽ chịu sự quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành là Ủy ban chứng khoán nhà nước là chủ yếu.

Ở Việt Nam, thị trường OTC đứng nghĩa chưa được thành lập, tuy nhiên thị trường này đang dần được hình thành. Ngày 20/11/2008, Bộ Tài chính ban hành quyết định số 108/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội.  Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai thị trường giao dịch cho các loại chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Đây còn gọi là thị trường UPCoM. Tuy chưa là thị trường OTC đúng nghĩa nhưng đây có thể nói là một bước đệm để tiến tới xây dựng thị trường OTC theo đúng thông lệ quốc tế trong tương lai của Việt Nam.

Bùi Minh Anh

Ý kiến