Tóm tắt điều kiện FCA trong Incoterms 2020
FCA được sử dụng với mọi phương thức vận tải và được áp dụng khi bên bán có khả năng làm thủ tục hải quan xuất khẩu.
Nội dung điều kiện FCA là gì?
Nếu bên bán có khả năng làm thủ tục hải quan xuất khẩu, để thuận tiện bên bán nên nhận làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh là thuế xuất khẩu) và đề nghị ký hợp đồng theo điều kiện FCA.
Bên bán thường dự tính trước tiền thuế xuất khẩu phải nộp và tính vào tiền hàng phải thu bên mua.
(1) FCA có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua một trong hai cách sau:
– Khi địa điểm chỉ định là cơ sở của người bán, hàng được giao khi chúng được bốc lên phương tiện vận tải do người mua sắp xếp;
– Hoặc khi địa điểm chỉ định là nơi khác, hàng được giao khi hoàn thành việc bốc xếp lên phương tiện vận tải của người bán và tới địa điểm khác được chỉ định và sẵn sàng để dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải của người bán và đặt dưới quyền định đoạt của người vận tải hoặc người khác do người mua chỉ định.
(2) Bất cứ địa điểm nào trong hai địa điểm trên được chỉ định để giao hàng, địa điểm đó xác định nơi chi phí và rủi ro được chuyển giao cho người mua.
(3) FCA yêu cầu người bán thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu.
(4) B/L ghi chú “on board” trong hợp đồng sử dụng FCA – Để thực hiện tính khả thi của điều kiện FCA đối với những người bán cần một B/L có ghi chú “on board”, FCA của Incoterms 2020 lần đầu tiên quy định nếu hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, người mua phải chỉ định người vận tải phát hành B/L ghi chú “on board” cho người bán.
(5) FCA được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
(6) Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.
Phân chia trách nhiệm và rủi ro trong FCA
(i) Trách nhiệm của người bán:
– Người bán phải giao hàng hóa cùng hóa đơn thương mại và các chứng từ khác được quy định trong hợp đồng.
– Hỗ trợ người mua lấy chứng từ vận tải nếu người mua yêu cầu, chi phí do người mua chịu.
– Lo liệu việc bốc hàng lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định nếu địa điểm nhận hàng ở trong kho của người bán. Nếu địa điểm nhận hàng ở ngoài kho của người bán, người bán phải sắp xếp để vận chuyển hàng hóa đến điểm giao hàng.
– Làm thủ tục xuất khẩu cho hàng và chịu mọi rủi ro, chi phí liên quan đến nghiệp vụ này.
– Nếu người mua nhờ, người bán có thể thuê phương tiện vận tải theo các điều kiện thông thường, mọi chi phí do người mua chi trả.
(ii) Trách nhiệm của người mua:
– Người mua phải nhận hàng từ người bán theo thời gian quy định, vận chuyển và thông quan nhập khẩu hàng hóa.
– Người mua phải chịu mọi rủi ro về việc mất mát hoăc hư hỏng từ khi người chuyên chở của mình nhận hàng.
– Trả các chi phí và chịu rủi ro nếu nhờ người bán hàng thuê phương tiện chuyên chở.
– Thông quan nhập khẩu hàng hóa.
(iii) Chuyển giao rủi ro:
– Nếu hàng được giao tại nơi nằm dưới quyền kiểm soát của người bán như là nhà kho hay xưởng thì người bán có nghĩa vụ bốc hàng lên phương tiện vận tải đến lấy hàng.
– Nếu hàng được giao ngoài ơi nằm dưới quyền kiểm soát của người bán như là cảng biển hay cảng hàng không, thì người bán có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến địa điểm đó, người mua sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bốc hàng từ xe của người bán và mọi rủi ro và chi phí từ đó về sau.