0Bình luận

Tổng hợp điểm mới 05 luật có hiệu lực thi hành từ năm 2022

Cố Vấn Pháp Lý thông tin những điểm mới nổi bật của 05 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022:

1. LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020

Tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích từ năm 2022

Từ 01/01/2022, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau:

– Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

– Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá thu gom, vận chuyển và xử lý.

Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoặc không sử dụng bao bì đúng quy định thì cơ sở thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời báo cho cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Các dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường từ 01/01/2022

Các Dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

– Dự án đầu tư nhóm I (Dự án đầu tư nhóm I còn phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường);

– Dự án đầu tư nhóm II, bao gồm: dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ; dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ; dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

Trong đó:

+ Trường hợp các Dự án đầu tư này thuộc Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công thì không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

+ Việc đánh giá do chủ Dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn đủ điều kiện thực hiện.

+ Kết quả đáng giá tác động môi trường được lập thành báo cáo, mỗi Dự án đầu tư phải lập 01 báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

– Chất thải thực phẩm;

– Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Trong đó:

**Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị:

Phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định nêu trên vào các bao bì để chuyển giao như sau:

– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

– Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

**Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn

– Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

– Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

– Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tương tự như hộ gia đình, cá nhân ở đô thị.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại theo đúng quy định

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.

2. LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH SỬA ĐỔI 2020

5 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính từ 01/01/2022

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 05 trường hợp sau đây:

(1) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;

(2) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

(3) Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

(4) Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

(5) Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Từ 01/01/2022: Cá nhân vi phạm giao thông đường bộ phạt đến 75 triệu đồng

Tại Khoản 10 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) có quy định:

“1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:

…d) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội;”

Như vậy: Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng;

3. LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG NĂM 2020

Các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua các hình thức cụ thể như sau:

– Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế;

– Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài;

+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

– Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

09 công việc cấm NLĐ làm ở nước ngoài theo Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2020

(1) Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;

(2) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ;

(3) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm);

(4) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;

(5) Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;

(6) Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh;

(7) Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;

(8) Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);

(9) Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

4. LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM 2020

Chính sách của Nhà nước về biên phòng

Chính sách của Nhà nước về biên phòng hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.

Theo đó, Điều 3 Luật BPVN đã đưa ra 07 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó cần lưu ý đến Khoản 5 với sự bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung Khoản 7 về “Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế” cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng

Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng: Khoản 1 Điều 12 Luật này quy định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”. Tuy Luật Quốc phòng cũng đã có quy định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân”, nhưng quy định này là cần thiết để thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của Bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phù hợp với cách thể hiện của Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam,…

Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh Bộ đội biên phòng là một thể thống nhất, bao gồm Bộ đội biên phòng trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại khu vực biên giới, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. Theo đó, Luật quy định Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu. Để tiếp tục phát huy cơ chế này, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng tại Điều 10.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng: Căn cứ vào vị trí và chức năng của Bộ đội Biên phòng, Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam đặt ra 12 nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng, vừa kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, vừa bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp với thực tiễn và để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng với những lực lượng khác. Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, lực lượng Bộ đội Biên phòng phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh, trật với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng.

5. LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY 2021

Nghiêm cấm kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống ma túy 2021 bao gồm:                          

– Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

– Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

– Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

– Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

– Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật.

– Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

– Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

– Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

– Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

– Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

– Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.

04 trường hợp phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc từ 01/01/2022

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

– Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

– Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

– Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Ý kiến