Trình tự, thủ tục giải quyết sơ thẩm vụ án dân sự mới nhất
I. Trình tự, thủ tục giải quyết sơ thẩm vụ án dân sự
Sau khi hòa giải không thành hoặc đối với những vụ án mà pháp luật quy định không được phép hòa giải thì tòa án phải tiến hành phiên xét xử vụ án dân sự và phiên xét xử này được gọi là phiên tòa dân sự.
Tất cả các vụ án dân sự nếu đã phải đưa ra xét xử thì đều phải trải qua việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm tập trung các hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Trình tự thủ tục giải quyết vụ án dân sự trải qua các bước như sau:
– Thụ lý vụ án: Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
– Hòa giải: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 205 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS.
+ Ra quyết định hòa giải thành khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận.
+ Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.
– Chuẩn bị xét xử: trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
+ Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
+ Đưa vụ án ra xét xử.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (Điều 203)
– Mở phiên tòa xét xử
Theo quy định tại Điều 196 BLTTDS 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại BLTTDS, gồm: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định và Người phiên dịch, Kiếm sát viên.
– Phiên tòa sơ thẩm
II. Trình tự, thủ tục giải quyết sơ thẩm việc dân sự
Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp , nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Nếu thủ tục giải quyết vụ án dân sự phát sinh trên cơ sở có tranh chấp thì trình tự giải quyết việc dân sự phát sinh trên cơ sở yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý. Quy trình thủ tục việc dân sự theo từng bước như sau:
– Thụ lý việc dân sự: người yêu cầu giải quyết việc dân sự phải có đơn yêu cầu gửi đến Tòa án. Khi tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu nộp Tòa án phải lập biên bản giao nhận. Đơn yêu cầu có thể được nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Tòa án có thẩm quyền.
Tòa án nhận đơn trong thời hạn 05 ngày phải xem xét có có quyết định thụ lý hoặc chuyển tới Tòa án có thẩm quyền hoặc trả lại đơn.
– Chuẩn bị xét đơn yêu cầu: từ khi thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cho đến khi Tòa án ra quyết định mở phiên họp giải quyết Tòa án phải có trach nhiệm gửi thông báo thụ lý.
Trong khoảng thời gian 01 tháng chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án phải tiến hành đồng thời các công việc sau: Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án; Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản.
Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng; Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu; Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
– Phiên họp sơ thẩm.